Nhiều người nghĩ làm PR là nghề sang trọng và nhiều tiền. Tôi cũng đã có những giờ phút hào nhoáng như vậy: ăn mặc sang trọng, làm việc tại những nơi mơ ước…. Tuy nhiên, tôi cũng đã phải đánh đổi rất nhiều” một nhân viên PR chia sẻ. PR (Public Relations - Quan hệ công chúng) là làm gì? Về mặt tổng quát thì một người làm nghề PR phải làm các công việc bao gồm: - Các công việc liên quan tới viết và biên tập các văn bản, tài liệu như: thông cáo báo chí, bản tin nội bộ, brochure, diễn văn… - Lên kế hoạch và tổ chức sự kiện cho công ty. - Phối hợp và tư vấn cho các phòng ban khác nhằm tạo dựng và phát triển các mối quan hệ với các nhóm đối tượng theo mức độ ưu tiên của từng công ty như: nhân viên công ty, đối tác, khách hàng, truyền thông, các cấp chính quyền, chính phủ… - Thu thập thông tin, nghiên cứu, phân tích và đưa ra ý kiến tư vẫn cho cấp lãnh đạo về các vấn đề liên quan tới hình ảnh công ty. - Dự báo, ngăn ngừa khủng hoảng cho công ty. Một nhân viên PR thường chỉ chuyên về một mảng trong số các công việc trên, song bạn cũng phải nắm vững các công việc còn lại. Ví dụ: khi công ty A muốn tổ chức một chương trình tại tỉnh X, trừ trường hợp chương trình đó là sự kiện lớn còn nếu không công ty có thể chỉ cử duy nhất một nhân viên đến tỉnh X. Nhân viên đó sẽ phải tìm kiếm và phối hợp với các đơn vị địa phương để tổ chức được sự kiện, do đó bạn cần nắm vững được mọi công việc của PR. Có mấy kiểu PR? Chị Thanh Hà – Đại diện chính thức của hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Malaysia tại Việt Nam, giảng viên chính của các khóa đào tạo PR – Events của công ty cổ phần Megalink cho biết, hiện nay có hai kiểu nhân viên PR đó là PR in house – nhân viên trong phòng PR của các công ty và PR agency – nhân viên của các công ty PR. Những người trẻ thường xin làm việc trong PR agency bởi ở đó họ được đi nhiều nơi, tiếp xúc và tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn, tuy nhiên làm việc trong PR agency cũng đồng nghĩa với việc rất khó để cân bằng cuộc sống. Bởi vậy, khi đến tuổi lập gia đình, các bạn nữ làm PR thường chuyển về làm việc ở PR in house, khi đó với kinh nghiệm làm PR agency, bạn đó có thể nhanh chóng thăng tiến lên cấp quản lý, hơn nữa với công việc của PR in house thì cân bằng cuộc sống cũng không quá khó. Chị Thanh Hà cũng cho biết, nghề PR là một nghề có thu nhập cao. Công việc PR in house mang lại thu nhập tương đối ổn định, trong khi PR agency có thể có nhiều khoản thưởng theo chương trình, tuy nhiên các vị trí quản lý của PR in house thường có thu nhập cao hơn, đặc biệt là trong các công ty niêm yết bạn còn có cơ hội được chia cổ phiếu. Bắt đầu với PR như thế nào Đối với các bạn sắp ra trường chị Hà cho biết một người mới bắt đầu vào nghề PR nhìn chung sẽ đảm nhận những công việc đầu tiên như là: phụ tá, liên lạc, chuẩn bị thư mời, lên danh sách báo chí, khách mời, tìm chỗ in ấn tốt, văn phòng phẩm… tóm lại là những công việc nhỏ sau đó có thể tiến tới những bước cao hơn như viết dự thảo chương trình lần một. Trong thời gian đó, anh ta nên chú ý quan sát công việc của tất cả các bộ phận. Theo chị Hà nếu chăm chỉ và có óc quan sát một người cần khoảng 1 – 2 năm để học hỏi những kiến thức cần thiết. Năng động, quan hệ rộng, nhiều thách thức PR luôn là một nghề hấp dẫn nên đã có rất nhiều người chọn PR làm hướng đi cho mình. Chính điều này đã khiến PR là một trong những ngành nghề có mức độ cạnh tranh gay gắt nhất, bởi vậy, nếu bạn quyết tâm dấn thân vào lĩnh vực đầy sức hấp dẫn này, tốt hơn hết bạn nên tự chuẩn bị cho mình ngay từ bây giờ. PR và báo chí: Quan hệ tương hỗ hay quan hệ “cửa sau”? “Là một nhân viên PR phụ trách mảng truyền thông, tôi luôn phải duy trì tốt những mối quan hệ với báo giới, vì như thế, những bài PR của tôi mới có “đất dụng võ”. Đây là một công việc rất tế nhị và phải thật khéo để có thể đưa những bài viết lên được” Hoàng Khanh tâm sự. Khanh từng là phóng viên một vài tờ báo ở Hà Nội, vào TPHCM cô đảm nhận vị trí mới phụ trách mảng truyền thông cho một công ty quảng cáo tại TPHCM. Ngọc bật mí: “Công việc một chuyên viên PR mảng truyền thông giống như việc “làm dâu trăm họ” vậy, tùy vào mỗi báo, đài, tùy vào mối quan hệ với phóng viên mà tôi có được những bài PR lên đúng vị trí và đúng thời điểm”. Không chỉ có mối quan hệ tốt, những người làm PR truyền thông thường phải có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề báo và đảm bảo tuân thủ những điều cơ bản nhất theo luật báo chí: như không được bịa chuyện, không nói xấu làm ảnh hưởng đến hình ảnh người khác… Thế nhưng cũng có không ít sự “cố kết” giữ PR và báo chí khiến độc giả bị “ngộ độc thông tin”, khán giả phải xem những hình ảnh, thông điệp không biết nên tin vào đâu. Quan hệ PR - báo chí vẫn luôn là “tế nhị” nên như một nhân viên PR chuyên quan hệ với báo chí nhận định: “Nhiều tờ báo họ thường thích độc quyền tin nên nhiều khi một vấn đề, tôi thường phải có nhiều bài viết dưới nhiều dạng để có thể đẩy thông tin cần thiết lên tờ báo đó. Việc PR mảng truyền thông là một trong những mảng quan trọng nhưng không hề dễ làm... Thế nên chẳng phải ngẫu nhiên mà có khái niệm “PR bẩn - PR sạch”. Thương trường cũng như chiến trường, chính vì thế sự cạnh tranh không lành mạnh vẫn luôn tồn tại. Khi PR thực sự là một công cụ hữu hiệu để tạo dựng lòng tin cũng như xây dựng thương hiệu thì chắc chắn một điều, PR cũng có thể là một công cụ “phá hủy” thương hiệu. Còn nhớ cách đây một vài tháng khi một số tờ báo đưa tin về việc ăn nhiều bưởi sẽ làm tăng nguy cơ gây ung thư, khiến giá bưởi tụt một cách thảm hại, nhiều nông dân bị mất trắng, những “bưởi năm roi, bưởi da xanh” bị tẩy chay và buộc Thủ tướng chỉnh phủ phải có công văn kiểm tra và xử lý tờ báo cũng như phóng viên đưa thông tin trên. Một ví dụ nhỏ đó để cho thấy rằng, khi thông tin sai lệch thì chỉ một cột tin trên báo cũng làm ảnh hưởng lớn đến biết bao nhiêu người, chính vì thế những người làm PR mảng truyền thông phải luôn biết “giữ mình”. Đó là điều mà những người làm PR chân chính luôn tâm niệm. Luôn sẵn sàng ứng phó với sự cố “Tổ chức sự kiện, thì một sai sót nhỏ cũng có thể làm hỏng chương trình như nhầm đĩa, thiếu đạo cụ, một PG (Promotion Girl) bị ốm ... Nghĩ thì thấy vụn vặt nhưng lại rất quan trọng”- Nguyễn Hoàng Trang, Cty truyền thông AIT (Hà Nội) tâm sự. Không chỉ riêng Trang mà nhiều người làm PR chuyên nghiệp đôi khi cũng gặp phải những sự cố bất thường, xảy ra trong tích tắc nhưng có thể đổ cả một chương trình lớn. Còn Lê Na, Công ty truyền thông Vinamap quan niệm: “Làm sự kiện là một công việc làm trong tưởng tượng, bởi các sự kiện thường phải xây dựng trước khi nó chính thức diễn ra ít nhất khoảng 3 đến 6 tháng, tuỳ quy mô. Khi lên kế hoạch và trình bày với các bên liên quan mình phải làm việc chủ yếu bằng tư duy tưởng tượng. Yếu tố may mắn luôn là điều mà người làm PR mong muốn. Nguyễn Hoàng Trang, Công ty truyền thông AIT kể, trong một chương trình, MC đột xuất ốm, báo rất muộn lúc đó là 5 giờ chiều, trong khi ngày mai chương trình bắt đầu sớm. Tìm MC rất khó. Sau khi gọi điện liên hệ các nhà văn hoá cả tối để tìm người thay thế, nhưng không được, cách cuối cùng công ty cô lấy một em PG xinh xinh và có tài ăn nói của mình để đào tạo và hướng dẫn cả đêm. Làm PR không đơn giản như tên gọi của nó, chỉ việc quan hệ, thông tin với công chúng, mà phía sau nó là cả một quá trình với lịch làm việc dài, kín. “Nhiều người nghĩ làm PR là nghề sang trọng và nhiều tiền. Tôi cũng đã có những giờ phút hào nhoáng như vậy: ăn mặc sang trọng, làm việc tại những nơi mơ ước…. Tuy nhiên, tôi cũng đã phải đánh đổi rất nhiều. Căng thẳng, mệt mỏi, làm việc quần quật đôi lúc như là con thiêu thân… Tôi suốt ngày bị em gái than phiền vì đi nhiều quá không có thời gian tự chăm sóc bản thân. Bố mẹ tôi lo lắng vì suốt ngày công việc. Bạn bè thì khổ sở khi sắp xếp được một buổi đi chơi cùng nhau. Nhưng tôi đã tìm hiểu kỹ trước khi “dấn thân” nên chấp nhận mất nhiều thứ để có một vị trí xứng đáng và sẽ cố gắng để người thân bớt lo lắng” Lê Na chia sẻ. Xem tiếp Phần 2: Nghề PR - Trở thành nhân viên PR chuyên nghiệp