Thứ Tư, 16/11/2016, 13:05 [GMT+7] Trong vài năm trở lại đây, tỉnh, các ngành chức năng và địa phương trên địa bàn tỉnh đã rất nỗ lực vận dụng linh hoạt các chính sách, quy định của Nhà nước để tìm kiếm các mô hình quản lý, đầu tư xây dựng chợ. Thực tế, đã có một vài mô hình được triển khai thành công, thế nhưng đối với không ít địa phương mỗi khi đề cập đến vấn đề quản lý, đầu tư xây dựng lại chợ xuống cấp vẫn luôn vấp phải sự phản đối từ các tiểu thương... Chợ Trung tâm Uông Bí là chợ loại I, được xây dựng từ cách đây gần 30 năm đã xuống cấp và quá tải. Trong ảnh: Khu nhà chợ chính vẫn chỉ lợp bằng mái tôn. Tiểu thương lo lắng Mới đây, qua số điện thoại 0333.834.365, Phòng Bạn đọc - Tư liệu Báo Quảng Ninh đã tiếp nhận cuộc điện thoại của bà Đ.T.T. (bà T. xin đề nghị được giấu tên), đại diện cho một số tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Trung tâm Uông Bí, cho biết, các tiểu thương trong chợ rất bức xúc vì cách làm của Ban Quản lý (BQL) chợ trong việc lấy ý kiến và huy động vốn xây dựng lại chợ Trung tâm Uông Bí. Trao đổi trực tiếp với chúng tôi, gần 20 hộ tiểu thương kinh doanh cố định trong chợ tỏ ra khá lo lắng. Các hộ cho biết: Từ cuối năm 2015, BQL chợ họp và thông báo với chúng tôi về chủ trương nâng cấp, cải tạo lại chợ do BQL đứng ra làm chủ đầu tư. Trong các cuộc họp, Trưởng BQL chợ cũng thông báo là BQL chợ không có vốn và đề nghị bà con đóng góp trước phí thuê điểm kinh doanh từ 5 đến 30 năm, mức tạm tính là 75.000 đồng/m2 để làm cơ sở đối ứng vay ngân hàng đầu tư xây dựng chợ... Chủ trương huy động vốn nhưng chúng tôi chẳng biết chợ xây thế nào; bố trí ngành hàng ra sao? Tại sao BQL chợ lại đứng ra làm chủ đầu tư? Nếu đã gọi là chủ đầu tư thì phải có vốn, sao lại bắt chúng tôi đóng góp? Giả sử chúng tôi đóng trước tiền phí thuê điểm kinh doanh, khi đang xây dựng, ông Trưởng BQL chợ được điều chuyển công tác, chợ xây dựng dở dang hoặc vì nhiều lý do lại không thực hiện được, tiến độ chậm chạp thì giải quyết như thế nào cho các hộ kinh doanh; ai sẽ là người chịu trách nhiệm với chúng tôi? Nếu xây chợ, liệu khi chúng tôi đóng trước phí thuê điểm kinh doanh, khi chuyển ra chợ tạm, chúng tôi có phải đóng phí nữa không?... Không chỉ lo lắng, băn khoăn, các tiểu thương còn phản ánh, BQL chợ đồng thời phát cho các hộ tiểu thương tờ “Phiếu xin ý kiến các tổ chức, cá nhân, các hộ kinh doanh và đại diện cộng đồng dân cư đối với Dự án: Xây dựng, nâng cấp chợ Trung tâm TP Uông Bí” và tờ cam kết về việc nộp phí thuê điểm kinh doanh trước thời hạn tại chợ Trung tâm Uông Bí. Riêng tờ phiếu xin ý kiến khá cẩu thả trong trình bày văn bản, cũng không có dấu đỏ của cơ quan quản lý nhà nước để tạo độ tin cậy cho người được lấy ý kiến. Các hộ tiểu thương bức xúc nói: “Tại cuộc họp mới đây, BQL chợ lại thông báo, các hộ dân không cần phải đóng tiền nữa, chỉ cần cho biết ý kiến có đồng ý cho xây chợ hay không. Khi các hộ cố định như chúng tôi không đồng tình, BQL chợ lại đi lấy ý kiến của các hộ kinh doanh lưu động. BQL chợ tìm mọi cách vận động các hộ tiểu thương đồng ý cho việc xây dựng chợ, khi thì tổ chức một nhóm 5-7 người đến từng gian hàng bắt chúng tôi phải ký vào phiếu; lúc lại chỉ cử một người đi “rủ rỉ” vận động từng hộ tiểu thương một cứ như buôn bạc giả; rồi việc BQL chợ còn tung tin, tới đây sẽ không ký lại hợp đồng với hộ nào không đồng ý xây dựng lại chợ (hiện tại các hộ tiểu thương thực hiện ký hợp đồng thuê điểm kinh doanh theo từng năm - PV) khiến bà con hoang mang, lo lắng. Việc làm này liệu có đúng, có khách quan không?”. Cũng theo các hộ tiểu thương, hiện nay tình hình buôn bán tại chợ rất ế ẩm, nếu xây dựng chợ sẽ bị xáo trộn, ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các hộ. Cùng với đó, khi chợ xây dựng xong, phí chợ cũng như các loại phí khác sẽ tăng gấp nhiều lần so với mức cũ, trong khi mức phí cũ hiện nhiều hộ kinh doanh không có đủ tiền để đóng phí hàng tháng, nhiều hộ đã phải bỏ chợ... Theo đó, các hộ đề nghị chính quyền địa phương nên hoãn lại thời gian xây dựng chợ; xem xét lại khoảng cách quy hoạch giữa các chợ trên địa bàn vì trong phạm vi bán kính 2km hiện có tới 4 chợ đang song song tồn tại; nhiều chợ mới xây dựng xong khang trang, sạch đẹp lại không có người vào họp chợ, gây lãng phí không nhỏ. Hiện các hộ đã có đơn gửi BQL chợ và UBND TP Uông Bí nhưng chưa thấy hồi âm... Mới chỉ là bước... trưng cầu ý kiến?! Tìm hiểu để làm rõ nội dung các hộ tiểu thương kiến nghị, chúng tôi được biết, cách đây hơn 10 năm, vấn đề cải tạo, nâng cấp chợ Trung tâm Uông Bí đã từng được đưa ra. Ở thời điểm đó, cũng có nhiều ý kiến tiểu thương không đồng thuận nên việc xây dựng chợ đã không được triển khai. Theo Quyết định 3340/QĐ-UBND ngày 31-12-2014 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển hệ thống chợ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, chợ Trung tâm Uông Bí được định hướng nâng cấp, cải tạo trong giai đoạn 2015-2020. Theo đó, Thành uỷ Uông Bí đã ban hành Chỉ thị 37-CT/TU, ngày 6-4-2015 về tăng cường công tác quản lý và phát triển chợ trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, BQL chợ cũng trình xin ý kiến thành phố phê duyệt Đề án tự chủ trong thực hiện nhiệm vụ và đề xuất chủ trương đầu tư, xây dựng, nâng cấp chợ Trung tâm Uông Bí theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP (thay thế Nghị định 43/2006/NĐ-CP) quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định 16 cho phép ngoài việc tự chủ trong chi thường xuyên, các đơn vị sự nghiệp công lập được tự chủ chi đầu tư). Trưởng BQL chợ Trung tâm Uông Bí Hoàng Văn Minh khẳng định: “Việc đầu tư, cải tạo chợ là xuất phát từ nguyện vọng của đa số các hộ kinh doanh trong chợ, vì hiện cơ sở vật chất của chợ Trung tâm cũng xuống cấp, không đảm bảo cho công tác vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ.... Ý tưởng BQL chợ đứng ra làm chủ đầu tư cũng là ý kiến của các hộ kinh doanh, vì đa phần các hộ đều không đồng tình để doanh nghiệp vào đầu tư dự án. Việc BQL chợ có thể đứng ra làm chủ đầu tư cũng là phù hợp với những quy định của Nghị định 16/2015. Vì vậy, chúng tôi đã mạnh dạn báo cáo thành phố và được thành phố chấp thuận. Hiện tại, BQL chợ đang thực hiện theo các nội dung thông báo kết luận của thành phố về việc đầu tư, xây dựng chợ; đó là lấy ý kiến của các hộ kinh doanh. Thực tế, khi chúng tôi mời các hộ lên họp nhưng các hộ không lên, cũng do hội trường không đủ điều kiện họp tất cả các hộ kinh doanh, do vậy BQL chợ thành lập đoàn xuống tận nơi để giải thích, tránh người dân hiểu sai sự việc”. Ông Minh khẳng định thêm: “Việc xin ý kiến và phát phiếu cam kết nộp phí trước hạn đến các hộ kinh doanh không phải là quy định bắt buộc mà chỉ là bước khảo sát, dự kiến lượng tiền, làm cơ sở báo cáo thành phố dự kiến quy mô đầu tư, cũng như việc đề xuất ký hợp đồng dài hạn cho các hộ. Sau khi chợ được xây dựng xong, mức giá theo quy định của Nhà nước chứ không phải do BQL chợ tự ý lập nên được. Cũng phải nói thêm rằng, không có việc các hộ tiểu thương không đồng tình xây dựng chợ thì không được tiếp tục ký hợp đồng. Chúng tôi chỉ không ký hợp đồng với những hộ vi phạm các nội dung đã giao kết trong hợp đồng thôi”. Trao đổi với chúng tôi về những nội dung liên quan tới kiến nghị của một số hộ tiểu thương chợ Trung tâm Uông Bí, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đình Trung cho biết: “Thành phố mới có chủ trương đồng ý đề xuất đầu tư, xây dựng, nâng cấp chợ và việc đầu tư, xây dựng, nâng cấp chợ hiện mới chỉ là trưng cầu ý kiến của các hộ kinh doanh. Nếu đa số các hộ đồng ý thì sẽ xây chợ; còn nếu không đồng ý thì việc xây chợ vẫn sẽ dừng lại. Trong trường hợp, các hộ kinh doanh đồng ý xây chợ, thì bước tiếp theo mới là công bố quy hoạch, lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, thi tuyển chọn phương án kiến trúc, thiết kế... Có hay không việc làm “ngược” quy trình? Xem xét tờ phiếu xin ý kiến và phiếu cam kết nộp phí thuê điểm kinh doanh trước thời hạn do BQL chợ Trung tâm Uông Bí phát cho các hộ tiểu thương cho thấy, nội dung của những tờ phiếu này dường như đặt các hộ tiểu thương vào “sự đã rồi” chứ không đơn thuần chỉ là trưng cầu ý kiến để người dân có thể bày tỏ quan điểm đồng ý hay không đồng ý xây dựng chợ. Hơn thế nữa, theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù cơ quan quản lý nhà nước đều khẳng định “việc xây chợ hiện mới chỉ là bước trưng cầu ý kiến người dân”, nhưng trên thực tế, quy hoạch chợ cũng đã được BQL chợ lập, trình các phòng, ban của thành phố thẩm định và được yêu cầu bổ sung ý kiến của hộ kinh doanh, từ đó mới có việc lấy ý kiến của các hộ kinh doanh trên. Điều này cho thấy BQL chợ và cơ quan chức năng TP Uông Bí dường như đang thực hiện “ngược” quy trình. Lẽ ra, việc xin ý kiến các hộ kinh doanh về đầu tư, xây dựng nâng cấp chợ phải được thực hiện ngay từ thời điểm tháng 9-2015 đối với tất cả các hộ kinh doanh cố định. Thêm nữa, cách thức tuyên truyền vận động các hộ tiểu thương của BQL chợ cũng chưa thực hiện tới nơi, tới chốn, gây nên những hiểu lầm đáng tiếc cho một số tiểu thương. Xem xét thêm các mốc thời gian ban hành văn bản của cơ quan quản lý nhà nước cũng cho thấy rõ sự vênh nhau trong quy trình thực hiện. Tại Thông báo số 127-TB/TU ngày 28-12-2015 thông báo ý kiến chỉ đạo của BTV Thành uỷ Uông Bí về việc đồng ý chủ trương đầu tư và nâng cấp chợ Trung tâm Uông Bí, BTV Thành uỷ đã đồng ý với chủ trương đầu tư và nâng cấp chợ Trung tâm Uông Bí trong thời gian từ 2016 đến 2018, do BQL chợ làm chủ đầu tư. BTV Thành uỷ cũng giao UBND thành phố chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đơn vị liên quan triển khai các nội dung: Xây dựng kế hoạch, phương án kiến trúc công trình, giải pháp về hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo đúng quy trình, đúng thủ tục pháp lý trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức họp các hộ kinh doanh triển khai tuyên truyền chủ trương đầu tư và nâng cấp chợ; công khai các phương án về đầu tư, xây dựng và các nội dung liên quan để tạo sự đồng thuận và ủng hộ của các hộ kinh doanh trước khi triển khai đầu tư. Nhưng đến ngày 1-3-2016, BTV Thành uỷ Uông Bí mới thống nhất việc xin chủ trương phê duyệt đề án tự chủ của BQL chợ Trung tâm Uông Bí thực hiện theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP và phải đến ngày 28-3-2016, UBND TP Uông Bí mới có Quyết định số 1269/QĐ-UBND phê duyệt đề án tự chủ của BQL chợ Trung tâm về chi thường xuyên và chi đầu tư. Như vậy, thời điểm trước khi BQL chợ Trung tâm chưa được phê duyệt đề án liên quan tới việc chi đầu tư thì Thành uỷ Uông Bí đã có thông báo đồng ý chủ trương đầu tư, nâng cấp chợ do BQL chợ trung tâm làm chủ đầu tư (?). Ngoài ra, tại cuộc họp ngày 7-9-2015 do BQL chợ trung tâm tổ chức xin ý kiến của các hộ kinh doanh để làm cơ sở báo cáo UBND TP Uông Bí xin quy hoạch, đầu tư xây dựng, nâng cấp chợ, chỉ có 39/41 đại biểu tham gia bao gồm 7 trưởng ngành hàng và một số hộ tiểu thương, như vậy liệu đã đảm bảo việc lấy ý kiến thống nhất của toàn thể các hộ kinh doanh cố định tại chợ hay chưa (thời điểm này có 868 hộ kinh doanh cố định) khi mà không có biên bản uỷ quyền của các hộ còn lại đối với các đại biểu tham gia trên. Nguồn : Cẩm Nang - Thanh Hoa Bài 2 : Cần nhất là công khai, minh bạch