Bài 2: Cần nhất là công khai, minh bạch

Thảo luận trong 'Tin tức và sự kiện' bắt đầu bởi Nguyễn Thành Đạt It, 16/11/16.

  1. Nguyễn Thành Đạt It

    Nguyễn Thành Đạt It Guest Registered

    Tham gia ngày:
    28/9/16
    Bài viết:
    435
    Đã được thích:
    4
    Điểm thành tích:
    18
    Giới tính:
    Nam
    Nghề nghiệp:
    N/A
    Nơi ở:
    N/A
    Web:
    N/A

    Thứ Năm, 17/11/2016, 04:23 [GMT+7]

    chợ Trung tâm Uông Bí ngay khi mới có chủ trương xây dựng lại đã vấp phải ý kiến phản đối của một số tiểu thương. Đây cũng là “bài toán khó” của không ít địa phương khi thực hiện đầu tư, xây dựng lại chợ truyền thống đã xuống cấp... Kinh nghiệm của một số chủ đầu tư cho thấy, để thành công và nhận được sự đồng thuận của các tiểu thương, cần nhất là công tác đầu tư phải được công khai, minh bạch ngay từ đầu.

    cho-cai-dam.jpg Chợ Cái Dăm được Hợp tác xã Đầu tư, xây dựng, quản lý và khai thác chợ Hải An (Bắc Giang) đầu tư, đi vào hoạt động từ ngày 24-1-2016. Trong ảnh: Khu vực ngành hàng hoa quả.

    Chợ xuống cấp vẫn khó đầu tư nâng cấp


    Mặc dù tiết trời đã vào thu nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận không khí nóng bức ở chợ Trung tâm TP Uông Bí. Chợ rộng khoảng 17.000m2 với hơn 1.000 gian hàng nằm san sát. Qua gần 30 năm hình thành và phát triển, chợ đã qua 3 lần nâng cấp, mở rộng. Chính vì sự nâng cấp, mở rộng không đồng bộ nên nền chợ chỗ thấp, chỗ cao; việc bố trí ngành hàng khá lộn xộn, đan xen kiểu xôi đỗ; nhiều điểm kinh doanh được lắp dựng tạm bợ, nhìn có phần xập xệ, xuống cấp... BQL chợ không ít lần bị cơ quan chức năng “tuýt còi” liên quan tới việc đảm bảo các quy định về phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, thoát hiểm... mà nguyên nhân một phần do sự xuống cấp của chợ. Bà Bùi Thị Cậy, trưởng ngành hàng khu vực 2 (khu nhà tôn) chia sẻ: “Tôi là một trong những người kinh doanh đầu tiên tại chợ, tính đến nay gần 30 năm, khu nhà tôn vào mùa nóng rất bức bối, khu vực để xe không có, khách du lịch vào xem đồ phải quay ra nhanh vì không chịu nổi nóng”. Bà Nguyễn Thị Hiên, trưởng ngành hàng khu vực 7 (vàng mã) tiếp lời: “Đợt lụt lịch sử năm 2015 nếu không có cách xử lý kịp thời của BQL chợ thì không biết hậu quả sẽ như thế nào. Đồ vàng mã chỉ cần dính chút nước là hỏng, như trận lụt năm 2012 tất cả hàng hoá khu vực này bị nổi lềnh bềnh trong nước, thiệt hại rất lớn. Chúng tôi rất mong muốn chợ sớm được đầu tư nâng cấp”...

    TP Uông Bí xác định phát triển kinh tế theo hướng du lịch, thương mại, việc để khu chợ xuống cấp ngay giữa trung tâm thành phố trở nên khập khiễng với không gian đô thị chung. Vì vậy, việc đầu tư, xây dựng nâng cấp chợ là cần thiết.

    Tuy nhiên, như ở bài báo trước chúng tôi đã đề cập, cách đây 10 năm, vấn đề đầu tư, xây dựng nâng cấp chợ đã được chính quyền địa phương đưa ra nhưng không nhận được sự đồng thuận của các tiểu thương. Đến nay, vấn đề này lại một lần nữa được xới xáo nhưng cũng chưa đi đến đích cuối cùng vì một số tiểu thương chưa đồng thuận. Nguyên nhân là do cách làm của cơ quan chức năng chưa bài bản, đúng quy trình; công tác tuyên truyền, vận động chưa đến nơi, đến chốn, dẫn đến nhiều tiểu thương chưa có được lòng tin vào mô hình đầu tư còn rất mới mẻ này.

    Câu chuyện tiểu thương chưa đồng thuận với chủ trương đầu tư, xây dựng nâng cấp chợ như ở Uông Bí lâu nay không hiếm gặp. Thực tế ở 14 địa phương trong tỉnh hiện có rất nhiều chợ xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao; mất vệ sinh an toàn thực phẩm... nhưng không thể đầu tư nâng cấp. Đơn cử như chợ Trung tâm Cẩm Phả, cách đây 10 năm, chủ đầu tư đã hoàn thiện khung chợ tạm để di chuyển các hộ kinh doanh, nhưng chợ vẫn không thể khởi công. Hay như chợ Trung tâm Quảng Hà (huyện Hải Hà) 2 năm trước, đã xảy ra tình trạng người dân khiếu kiện kéo dài cũng liên quan đến vấn đề đầu tư, xây dựng nâng cấp chợ...

    Theo thống kê của Sở Công Thương, hiện trên địa bàn tỉnh có 133 chợ, gồm: 22 chợ hạng 1; 22 chợ hạng 2; 91 chợ hạng 3; 22 chợ biên giới, cửa khẩu. Thực hiện Quyết định 3340/QĐ-UBND ngày 31-12-2014 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển hệ thống chợ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong 2 năm (2014-2015) mới chỉ có 48 chợ được đầu tư nâng cấp, cải tạo, sửa chữa nhỏ. Con số này vẫn còn khá khiêm tốn so với mục tiêu đã đề ra.

    Kinh nghiệm từ mô hình đã thành công

    Phó Giám đốc Sở Công Thương Phạm Ngọc Thuỷ cho biết: “Hiện cũng có nhiều doanh nghiệp đặt vấn đề đầu tư, xây dựng, nâng cấp hệ thống chợ trên địa bàn, đặc biệt là những chợ khu vực trung tâm và có khả năng sinh lời. Cái vướng nhất trong đầu tư, xây dựng nâng cấp chợ hiện nay không phải là nguồn vốn, mà chính là tìm sự đồng thuận của các hộ tiểu thương và người dân. Nguyên nhân là do tâm lý của người kinh doanh chỉ thực sự cảm thấy yên tâm khi Nhà nước đầu tư; còn chông chênh khi doanh nghiệp đầu tư...”. Cũng theo đánh giá của Sở Công Thương, qua thực tế kêu gọi xã hội hoá đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn tỉnh, hiện mô hình hiệu quả chưa nhiều. Điển hình mới có chợ Cẩm Đông (TP Cẩm Phả) do Công ty CP Thương mại xây dựng TKL làm chủ đầu tư và chợ Hồng Hà (TP Hạ Long) do Công ty CP Minh Anh làm chủ đầu tư.

    Chia sẻ với chúng tôi, ông Lưu Công Quyền, Trưởng BQL chợ, Giám đốc Công ty CP Thương mại xây dựng TKL, nói: “Chúng tôi được Nhà nước chuyển giao để khởi công đầu tư xây dựng chợ Cẩm Đông từ năm 2010. Sau 2 năm, chợ đã khánh thành và đưa vào sử dụng. Ban đầu chúng tôi khá vất vả vì bà con tiểu thương chưa đồng thuận cho doanh nghiệp vào đầu tư. Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tổ chức họp, lấy ý kiến người dân rất nhiều lần; tuyên truyền, phổ biến công khai quy hoạch, thiết kế, phương án bố trí ngành hàng; minh bạch kết quả bốc thăm các gian hàng... Và điều quan trọng nhất mà chúng tôi được tiểu thương ủng hộ chính là chúng tôi luôn đặt lợi ích của các tiểu thương lên hàng đầu. Đơn cử như ở tầng 1 của khu chợ chính, khi công khai phương án đầu tư, chúng tôi ưu tiên bố trí 100% gian hàng của các tiểu thương ở chợ truyền thống. Doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi bố trí các dịch vụ thương mại ở trên tầng 2, tầng 3”.

    cho-cam-dong.jpg Chợ Cẩm Đông (TP Cẩm Phả) do Công ty CP Thương mại xây dựng TKL làm chủ đầu tư, đã phát huy được hiệu quả.

    Mô hình đầu tư mới: Cần được chuẩn bị kỹ lưỡng

    Quay trở lại vấn đề đầu tư, xây dựng nâng cấp chợ Trung tâm Uông Bí, có thể thấy, việc đầu tư, nâng cấp chợ để xứng tầm với đô thị loại II, tạo cảnh quan, môi trường, cũng như các vấn đề an toàn kinh doanh là việc làm cần thiết. Đây không chỉ là đáp ứng nhu cầu của các hộ tiểu thương kinh doanh trong chợ, mà còn liên quan tới lợi ích của các hộ sinh sống liền kề, cộng đồng dân cư, văn minh đô thị, tạo nên nét riêng của địa phương, không phải là xây dựng “lồng chợ” như nhiều nơi hiện nay. Việc BQL chợ đứng ra làm chủ đầu tư, thực hiện theo tinh thần Nghị định 16/2015/NĐ-CP tại chợ Trung tâm Uông Bí có lẽ là mô hình đầu tư mới nhất trong nước, hiện chưa có tiền lệ thực hiện và cũng chưa có quy định chi tiết hướng dẫn việc thi hành các nội dung theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP. Vì vậy, TP Uông Bí, BQL chợ Trung tâm Uông Bí cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn nữa trước khi triển khai các bước đầu tư xây dựng, nâng cấp chợ. Điều quan trọng nhất, muốn tạo được sự đồng thuận chung của các tiểu thương, cần phải có sự rõ ràng, công khai, minh bạch trong các bước đầu tư, nói như Phó Giám đốc Sở Công Thương Phạm Ngọc Thuỷ: Các cấp chính quyền trước khi đưa ra việc lấy ý kiến người dân phải thống nhất trong tập thể. Các phương án BQL chợ, doanh nghiệp đưa ra, chính quyền địa phương phải rà thật kỹ; lấy ý kiến người dân trước khi phê duyệt, tránh việc sau này có các ý kiến khác. Thực tế, trong cách thức vận động người dân, có nơi chưa làm tới nơi, tới chốn. Khi nào bà con đồng thuận mới nên triển khai. Do vậy, trong các văn bản Sở Công Thương đã đề nghị các địa phương phải đảm bảo ít nhất 80% người dân đồng thuận mới quyết định triển khai xây chợ... Việc lấy ý kiến người dân phải được làm thành văn bản, có chữ ký cụ thể, rõ ràng, thời gian, địa điểm tổ chức hội nghị. Tránh trường hợp, lấy ý kiến nội dung lỏng lẻo, chưa mang tính đại diện. Cách lấy ý kiến có thể tổ chức hội nghị toàn bộ hay hội nghị các trưởng ngành hàng, nhưng trưởng ngành hàng tham dự phải có uỷ quyền của tất cả các hộ kinh doanh thuộc nhóm hàng. Nếu không có ý kiến uỷ quyền đó thì ý kiến không thể là đại diện cho những người còn lại.

    Nguồn : Cẩm Nang - Thanh Hoa


     

    Bình Luận Bằng Facebook

    data-href="https://cnttqn.com/threads/bai-2-can-nhat-la-cong-khai-minh-bach.3264.html"