Vụ nổ taxi ở Quảng Ninh: Nỗi đau xé lòng của người cha già chạy xe ôm

Thảo luận trong 'Tin tức Quảng Ninh' bắt đầu bởi Hảii Nam, 7/10/16.

  1. Hảii Nam

    Hảii Nam Moderator Moderator Registered

    Tham gia ngày:
    12/11/15
    Bài viết:
    29
    Đã được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    3
    Giới tính:
    Nam
    Nghề nghiệp:
    Sinh Viên
    Nơi ở:
    Hạ Long - Quảng Ninh
    Web:

    “Khổ thân con tôi, ăn vội bát cơm, chưa kịp uống nước thì nghe tổng đài báo có khách nên vội đi làm. Không ngờ đó lại là chuyến đi định mệnh của nó”. Tiếng than ai oán của ông Đặng Văn Hinh (SN 1954, bố anh Đặng Văn Trung, nạn nhân vụ nổ taxi) khiến chúng tôi nghẹn lòng.


    no-taxi.jpg
    Ông Hinh lặng người bên di quan của con trai xấu số. Ảnh: Đức Tùy


    Chuyến taxi định mệnh

    Chúng tôi đến thăm gia đình anh Đặng Văn Trung (SN 1987, lái xe taxi hãng Hoàng Minh, nạn nhân vụ nổ taxi kinh hoàng tại phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) cũng là lúc người thân đang lo hậu sự cho nạn nhân. Không khí tang thương và tiếng khóc ai oán của người thân bao trùm trong căn nhà hoang lạnh, đơn côi. Từ hôm xảy ra sự việc đến nay, chị Hoàng Thị Thanh (SN 1995, vợ anh Trung) không còn nước mắt để khóc thương chồng. Hàng đêm, chị lại giật mình, ú ớ gọi tên anh.

    Chị Thanh kể: “Trưa 3/10, sau khi ăn cơm xong được vài phút thì anh ấy nhận được điện thoại của công ty báo có khách đi xe. Trước khi đi, anh còn nói: “Chuyến này khách đi đường ngắn, lát anh về”. Không ngờ, đây là câu nói cuối cùng trước khi anh gặp nạn. Tuần trước, anh ấy xin nghỉ làm đưa tôi đi khám thai ở Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ninh. Khi khám xong, biết vợ đang mang bầu được 3 tháng, anh bảo tôi xin nghỉ làm, ở nhà để đảm bảo sức khỏe và thai nhi. Giờ anh ấy mất rồi, mẹ con tôi không còn ai để nương tựa trong khi bố mẹ chồng đã già yếu”.

    Tiếp lời con dâu, ông Hinh cho biết, ngày anh Trung đi làm ở hãng taxi, ông không đồng ý vì thấy nghề này tiềm ẩn nhiều rủi ro và không an toàn. Cho nên ngày nào anh Trung đi làm, ông Hinh cũng dặn dò lái xe cẩn thận. “Lúc công an báo tin cho gia đình lên phường có việc, tôi đã giật mình nghĩ ngay đến chuyện con trai tôi gặp nạn. Ai ngờ điều đó là sự thật. Nhưng đau xót hơn khi Trung lại bị người khác hãm hại. Khổ thân con tôi…”, ông Hinh đau xót.

    Bà Nguyễn Thị Chiến (SN 1959, mẹ anh Trung) cho biết: “Cuối tháng trước, Trung có bàn với vợ chồng tôi từ giờ đến Tết sẽ cố gắng để dành tiền làm cầu thang và hoàn thiện tầng 2 căn nhà để lấy chỗ ở, chứ để bố nằm ở căn bếp phía dưới Trung không đành lòng. Căn nhà mới được xây xong tầng một cách đây 3 năm, nhưng đều là tiền của vợ chồng Trung đi vay mượn. Từ ngày lấy nhau đến nay, chưa có ngày nào vợ chồng Trung được nghỉ ngơi thanh thản, lúc nào cũng tất tả ngược xuôi để kiếm tiền nuôi các con ăn học và lo cho gia đình. Vất vả như vậy nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo”.

    Mịt mờ tương lai con trẻ

    Hướng ánh mắt lên di ảnh của con trai, ông Hinh như lặng đi vì nỗi đau quá lớn và tai họa đột ngột đã cướp đi sinh mạng người con trai hiền hành, tốt tính và là chỗ dựa của gia đình. Nỗi đau ấy, khiến người đàn ông trên 60 tuổi như muốn quỵ ngã, buông xuôi tất cả. Nhưng nếu ông quỵ ngã lúc này thì lấy ai làm trụ cột cho vợ, cho con dâu và người cháu thơ dại bây giờ. Ông ngậm ngùi: “Bây giờ vợ chồng tôi còn sức khỏe thì không sao, chứ vài năm nữa khi sức tàn, lực kiệt… ai sẽ là người đứng ra lo liệu công việc, là chỗ dựa cho con dâu và cháu tôi? Nếu được cơ quan hay tổ chức nào đó đứng ra giúp đỡ các cháu của tôi, vợ chồng tôi có chết cũng cam lòng”.

    Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Hinh quê gốc ở huyện Tiền Hải (Thái Bình). Do gia đình đông anh em và khó khăn, năm 1971, ông xin đi làm công nhân xây dựng, sau đó được biên chế vào Công ty Xây dựng 18 ở Cẩm Phả (Quảng Ninh). Tại đây, ông đã gặp và kết hôn với bà Chiến, cũng là công nhân của Công ty. Sau đó, vợ chồng ông được Công ty phân cho căn phòng tập thể ở khu Hoàng Thạch (phường Cẩm Thạch).

    Năm 1992, bà Chiến được Công ty cho về nghỉ nhưng không có chế độ hưu. Lúc này, bà chạy chợ buôn bán nhỏ lẻ để kiếm đồng ra đồng vào lo cho gia đình. Khoảng 6 năm trở lại đây, bà đi làm giúp việc cho các gia đình trong khu phố. Ai thuê gì bà làm đó, lúc dọn nhà, lúc bế con trông trẻ... Đến năm 2008, khi ông Hinh nghỉ chế độ với đồng lương ít ỏi, không đủ cho việc sinh hoạt, ông sửa lại chiếc xe máy cũ và làm nghề chạy xe ôm.

    Do hoàn cảnh gia đình khốn khó, học xong cấp 3, anh Trung làm đơn đi nghĩa vụ quân sự và đóng quân tại đảo Trần (huyện Cô Tô, Quảng Ninh). Sau khi xuất ngũ, anh đi học nghề lái xe và xin vào hãng taxi Hoàng Minh từ năm 2009. Làm được mấy năm, anh gặp chị Thanh (quê ở huyện Văn Chấn, Yên Bái). Năm 2012, anh Trung và chị Thanh kết hôn và sinh con trai đầu lòng. Có con nhỏ và không có nghề nghiệp ổn định nên chị Thanh làm thuê cho quán bún gần nhà.

    Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ông Bùi Gia Khiêm, Tổ trưởng Tổ dân phố số 8 (khu Hoàng Thạch, phường Cẩm Thạch) cho biết, từ trước đến nay, gia đình ông Hinh sống hòa thuận, chịu thương chịu khó nên rất được mọi người yêu mến. Tuy nhiên, cuộc sống của gia đình lại gặp nhiều khó khăn. Vợ chồng ông Hinh thường xuyên đau yếu, bệnh tật nên kinh tế gia đình phụ thuộc vào tiền lương lái taxi của anh Trung. Không biết tương lai của vợ và con sẽ ra sao khi anh Trung không còn nữa.
     

    Bình Luận Bằng Facebook

    data-href="https://cnttqn.com/threads/vu-no-taxi-o-quang-ninh-noi-dau-xe-long-cua-nguoi-cha-gia-chay-xe-om.2777.html"