Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào quản lý giao thông là vấn đề cần thiết để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, bảo đảm quy hoạch giao thông cho tương lai, phát triển TP. Huế theo định hướng thành phố du lịch, cảnh quan, bền vững thân thiện môi trường. Hiện nay, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh trên địa bàn TP. Huế chiếm tỷ trọng thấp so với quỹ đất dành cho giao thông. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu điểm, bãi đỗ xe trầm trọng ở khu vực trung tâm thành phố cũng như gia tăng tình trạng vi phạm dừng, đỗ xe sai quy định. Mặt khác, dịch vụ xe buýt đô thị hiện nay cũng hạn chế. Trong khi đó, mật độ các phương tiện giao thông, nhất là phương tiện ô tô đang gia tăng nhanh. Theo các chuyên gia quy hoạch đô thị, để đầu tư ứng dụng CNTT vào quản lý giao thông đô thị với chi phí hợp lý mà hiệu quả cao, giải pháp tốt nhất là tích hợp vào các hạ tầng sẵn có của thành phố, phát triển trên nền tảng các dự án sắp triển khai như hệ thống giao thông thông minh cho các tuyến xe buýt, hệ thống đèn tín hiệu giao thông… Hạ tầng CNTT của TP. Huế tuy đã được đầu tư song vẫn còn khá hạn chế. Thành phố đã có hệ thống mạng nội bộ kết nối giữa các cơ quan nhà nước song hiệu quả chưa cao, hệ thống wifi công cộng được triển khai nhưng hoạt động chưa thông suốt, chưa phủ sóng rộng. Hạ tầng này chỉ phục vụ “chính quyền điện tử”, chứ chưa có nền tảng CNTT để quản lý hạ tầng đô thị một cách thống nhất. Hệ thống quản lý điều hành giám sát giao thông và camera được lắp đặt và do Công an TP. Huế quản lý chưa đồng bộ, mạng lưới bao quát chỉ trên các giao lộ chính và chủ yếu chỉ phục vụ cho vấn đề an toàn giao thông, an ninh trật tự. Giải quyết vấn đề ứng dụng CNTT trong quản lý đô thị một cách hiệu quả vừa là cơ hội, xu thế vừa là thách thức trong giai đoạn hiện nay. Vấn đề đầu tiên đó là việc quản lý hạ tầng giao thông với công nghệ tiên tiến GIS được xem là giải pháp tối ưu, vừa thân thiện với môi trường vừa phát triển bền vững trong tương lai. Trên thực tế, triển khai thực hiện công nghệ GIS trong quản lý đô thị ở Huế đã được triển khai trên một số lĩnh vực như quản lý cây xanh đường phố, thu gom xử lý rác… song vẫn còn hạn chế, nhất là trong quản lý giao thông đô thị. Tình trạng này là do việc áp dụng GIS đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm; thế nhưng hiện đội ngũ này vẫn còn thiếu và yếu. Vậy nên, muốn triển khai hiệu quả công nghệ GIS thì Huế cần phải xây dựng một cấu trúc cơ sở dữ liệu GIS về quy hoạch đô thị và phổ biến cho các cơ quan chuyên ngành áp dụng. Điều này sẽ góp phần phòng chống ùn tắc giao thông, giảm thiểu tai nạn, phân luồng và quy hoạch giao thông thông minh. Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Huế – Nguyễn Việt Bằng, cho biết, quản lý đô thị bằng công nghệ thông tin là một phần quan trọng của việc xây dựng đô thị thông minh (U-city). Chính quyền thành phố rất quan tâm đến vấn đề này, song để việc vận hành và quản lý hiệu quả thì cần thiết phải được nghiên cứu quy hoạch và đầu tư đồng bộ. Theo ông Bằng, TP. Huế đã đề ra kế hoạch triển khai dự án này giai đoạn từ năm 2016 – 2020, trong đó có một số các hạng mục cần thiết như xây dựng cơ sở dữ liệu GIS phục vụ quản lý khai thác, quy hoạch hạ tầng giao thông đô thị. Xây dựng hệ thống quản lý vận hành các trục giao thông chính, nút giao thông: giám sát, quan trắc và thu thập thông tin, năng lực thông hành phương tiện, hệ thống điều khiển tín hiệu giao thông. Xây dựng trung tâm quản lý điều hành giao thông, điều hành giao thông chung toàn thành phố. Thử nghiệm công nghệ và thiết bị phục vụ hệ thống giao thông đô thị như hệ thống đèn đường thông minh; hệ thống vạch dừng xe thông minh. Hiện nay, dự án “Thành phố thông minh” đang được đơn vị tư vấn KOIKA (Hàn Quốc) tiến hành nghiên cứu và đưa ra các ý tưởng. Được biết sau khi phê duyệt dự án dự kiến sẽ triển khai thí điểm trong bán kính khoảng 2km ở khu vực trung tâm Thành phố trước khi ứng dụng rộng rãi trên toàn TP.