GD&TĐ - Ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng giờ học nhưng đi kèm với đó là không ít những hạn chế, khó khăn và vướng mắc. Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và các trang thiết bị hiện đại vào dạy học nhằm cải thiện phương pháp giảng dạy, phát huy mạnh mẽ tư duy sáng tạo, kĩ năng thực hành, tạo hứng thú học tập cho học sinh để nâng cao chất lượng giờ học… Đây là loạt những lợi ích của việc áp dụng CNTT trong mỗi giờ học. Nhưng mọi người có bao giờ tự hỏi liệu việc áp dụng CNTT trong mỗi giờ học sẽ có những hạn chế gì? Chúng ta đang sống trong một thời đại phát triển rực rỡ của công nghệ thông tin. Hòa cùng nhịp đập đó, CNTT cũng đang từng bưóc cho thấy vai trò của mình trong giáo dục - đào tạo. CNTT khi được đưa vào ứng dụng trong giảng dạy không chỉ làm thay đổi nội dung dạy học mà còn thay đổi cả phương pháp truyền đạt. Nhờ các công cụ đa phương tiện của máy tính như văn bản, đồ họa, hình ảnh, âm thanh, video… giáo viên sẽ xây dựng được một bài giảng sinh động, thu hút được sự tập trung của người học. Bên cạnh đó, ứng dụng CNTT trong giảng dạy cũng giúp người học trở nên năng động, sáng tạo, chủ động hơn trong việc tiếp thu kiến thức. Nhờ đó, giờ học không còn áp đặt, giáo điều, khô cứng và người học có thể khác sâu được kiến thức ngay trên lớp học. "Cái khôn" cũng sẽ ló "Cái khó" Theo nhận định của một số chuyên gia, việc đưa công nghệ thông tin và truyền thông ứng dụng vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, những gì đã đạt được vẫn còn hết sức khiêm tốn. Khó khăn, vướng mắc và những thách thức vẫn còn ở phía trước bởi những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn. Chẳng hạn: Tuy máy tính điện tử mang lại rất nhiều thuận lợi cho việc dạy học nhưng trong một mức độ nào đó, thì công cụ hiện đại này cũng không thể hỗ trợ giáo viên hoàn toàn trong các bài giảng của họ. Việc sử dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương pháp dạy học có thể dẫn đến việc ứng dụng nó không đúng chỗ, không đúng lúc, nhiều khi lạm dụng nó và gây lúng túng, mấy thời gian tiết học (đối với những giáo viên chưa thành thạo CNTT). Dạy học theo lối truyền thông vẫn còn ăn sâu vào mỗi giáo viên. Công bằng mà nói, lối dậy truyền thống cũng có những ưu điểm riêng của nó. Khi sử dụng CNTT trong giảng dạy, người dạy sẽ khó chủ động về giờ dậy và dễ làm phân tán sự tập trung của người học. Do việc chuẩn bị bài giảng bằng giáo án điện tử nên đôi khi người dạy sẽ gặp trường hợp "cháy giáo án" bởi không thể rút gọn được nội dung đang trình chiếu. Không những vậy việc lạm dụng âm thanh, hình ảnh… không hợp lý cũng dễ làm người học mất tập trung vào nội dung bài học. Bên cạnh đó, có nhiều giáo viên còn chỉ tập trung vào CNTT mà không chú ý đến người học, giảm tương tác trực tiếp với học sinh dẫn đến giờ giảng không hiệu quả và vô hình tạo khoảng cách đối với chính những học trò của mình. CNTT tạo ra môi trường giáo dục có tính tương tác cao. Tuy nhiên, cần phải ứng dụng CNTT một cách họp lý, tránh lạm dụng để đem lại hiệu quả cao nhất. Nguồn: Theo VTV