Khi mẹ sinh con ra, là khi chiến tranh đã đi qua. Con lớn lên trong trọn vẹn hòa bình, được thong thả tới trường mà không còn phải đội mũ rơm, không phải nhảy xuống những hầm trú bom, tránh đạn, không còn phải nghe những tiếng còi, tiếng loa báo động réo rắt mỗi khi máy bay giặc điên cuồng gầm rú trên vòm trời; con cũng không còn phải gặp những xác người chất đống ngoài đường, không phải thấy cảnh ly tán, hoang tàn, chết chóc, đau thương… Thế nhưng, trong trí óc ngây ngô, non nớt của con ngày ấy, đã có những băn khoăn mà con không thể tự trả lời: Tại sao trên đường nhiều những nấm mồ hoang? Tại sao phía sau vườn nhà lại có cái hố to và sâu đến thế? Sao ảnh của ông và cha lại đặt cạnh nhau trên ban thờ, để mỗi lần được điểm tốt muốn khoe, hoặc tủi thân muốn được an ủi, vỗ về, con lại phải bắc ghế, đứng lên mới có thể chuyện trò? Tại sao có những đêm mẹ không ngủ, chỉ ngồi một góc giường, ôm chiếc áo cũ sờn của cha sụt sùi? Con đã mang tất cả những băn khoăn trên hỏi mẹ. Mẹ lặng người, mắt đỏ hoe, vuốt tóc con trìu mến: “Là chiến tranh, con trai ạ!” Vậy ra, chiến tranh làm nên những nấm mồ, những hố bom sâu hoẳm? Chiến tranh mang ông đi khỏi bà, mang cha đi khỏi mẹ, rồi gửi trả về hai tấm ảnh vô hồn, đặt trên ban thờ im lặng. Vậy ra, chiến tranh là lý do vì sao con lớn lên không biết mặt cha, là lý do bao đêm mẹ vẫn khóc thầm. “Nếu vậy thì mẹ ơi, con ghét chiến tranh!” Bây giờ, con đã lớn khôn, trong trọn vẹn hòa bình. Thời gian đã làm mờ dần những vết tích đạn bom. Làng mình, giờ chẳng còn những nấm mồ hoang, tất cả đã được chuyển về nghĩa trang rộng rãi, đàng hoàng; cái hố bom sâu thẳm sau vườn đã bị lấp từ lâu, để trồng bí trồng bầu, xum xuê hoa trái; những loa phóng thanh giờ là để tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, phát lên những khúc hát yêu đời; những đứa trẻ sinh ra đã được chăm sóc, yêu thương đủ đầy bởi cả cha và mẹ… Nhưng đêm qua thức giấc, con vẫn thấy mẹ ngồi đó, vẫn chiếc áo sờn của cha, và vẫn những dòng lệ nhạt nhòa. Và con hiểu rằng, cuộc đời này có những mất mát, có những đau thương mà thời gian chẳng thể nào xoa dịu. Con chầm chậm lại gần, ôm mẹ từ phía sau thật chặt, để mong sao một phần nỗi đau ấy chảy sang con, để lòng mẹ nguôi đi những nghẹn ngào. Còn mẹ thì lại vội vàng lau nhanh những giọt lệ ướt lem, như cố không cho con thấy được sự yếu mềm… - Mẹ à! Nếu đất nước có chiến tranh, con muốn xung phong ra trận, mẹ có cản con không? - Mẹ không! -Tại sao? Con tưởng mẹ căm ghét chiến tranh? Mẹ không sợ rằng con sẽ lại hi sinh, và ảnh của con lại đặt trên ban thờ, cùng ông, cùng cha? - Chiến tranh thì ai cũng sợ, cũng căm ghét con à! Và những người như bà, như mẹ lại càng thấm thía sự khủng khiếp của chiến tranh. Nhưng khi tổ quốc cần, khi đất nước lâm nguy, mẹ không thể và không có quyền giữ con bên mẹ, bởi con không chỉ là con của mẹ, mà còn là một đứa con của tổ quốc này! Nếu con đi, mẹ sẽ vẫn đợi ngày con trở về, giống như mẹ đã từng đợi cha. Và nếu con không trở về, bởi máu con đã hòa vào sông, xương con đã tan vào đất, mẹ sẽ lại tự hào vì con, giống như đã tự hào vì cha con vậy! Mẹ ơi! Bây giờ thì con đã hiểu, rằng những đêm mẹ ôm áo cha khóc thầm, rằng những giọt nước mắt mẹ rơi chẳng phải là sự yếu mềm, mà đó là tình yêu, là sự hi sinh mẹ dành cho tổ quốc này! Con tin rằng, chẳng có kẻ thù nào, dù mạnh đến đâu, có thể làm chúng ta khuất phục, bởi tổ quốc này có triệu triệu những người phụ nữ anh hùng và kiên cường như mẹ... Tác giả: Võ Tòng Đánh Mèo