[Tùy bút] Em lên phố

Thảo luận trong 'Tùy bút' bắt đầu bởi Trần Văn Cường, 17/11/16.

  1. Trần Văn Cường

    Trần Văn Cường I love CNTT Thành viên BQT Thành viên BQT

    Tham gia ngày:
    8/11/15
    Bài viết:
    3,693
    Đã được thích:
    43
    Điểm thành tích:
    48
    Giới tính:
    Nam
    Nghề nghiệp:
    Sinh Viên
    Nơi ở:
    Quảng Ninh thân yêu!
    Web:

    Mười tám tuổi, nhưng lần đi thi đại học này mới là lần đầu tiên em được lên Hà Nội. Mười tám năm em sống trong tình yêu thương, che chở của mẹ, của cha; em lớn lên bằng hạt gạo vàng của đồng lúa bao la, bằng dòng nước xanh của con sông quê êm ả, hiền hòa…

    Hôm đi, em bị say xe nên gục vào vai mẹ ngủ li bì, để rồi khi xe đổ bến, em thức dậy và choáng ngợp, ngỡ như mình vừa lạc vào một thế giới khác: náo nhiệt, đông đúc, chật chội, ồn ã, và đầy những điều mới lạ!

    Cảm nhận của em đầu tiên về Hà Nội là bụi và rất nhiều xe cộ! Cái bụi cộng với cái nắng trưa hè oi ả khiến em như mệt lả! Còn xe thì nhung nhúc như bầy vịt bơi trên sông, chi chít như thân lúa ngoài đồng. Nếu một mình, chắc em chỉ ngồi bên vỉa hè, bất lực nhìn dòng người xe xuôi ngược, cả ngày chẳng dám qua đường. Cũng may, bàn tay mẹ đã chìa ra cho em nắm lấy, vừa đi, em vừa nép chặt vào người mẹ, mắt nhắm lại sợ hãi mỗi khi có chiếc xe phóng ẩu, lao vút tới như chực đâm sầm. Em rùng mình khi nghĩ đến viễn cảnh mình sẽ học ở đây và phải tự đi lại, phải tự sang đường…

    Em và mẹ thuê một phòng nhỏ ở một xóm trọ cạnh trường. Trừ những lúc đi thi hoặc đi ăn, còn không, em chỉ ở trong phòng. Lý do là vì trời rất nóng, em phải mặc quần đùi, mà mặc quần đùi thì em ngại, chẳng dám ra ngoài. Bởi ở quê, bố mẹ vẫn nhắc nhở em rằng con gái thì phải ý tứ và kín đáo. Mỗi lần đi ăn, thấy em lục đục thay quần dài, mặc áo sơ mi kín mít, mấy chị sinh viên ở phòng bên lại tủm tỉm cười rồi bảo: “Ra đường em sẽ thấy, chúng nó toàn mặc những bộ ngắn bằng một nửa và hở gấp đôi cái bộ em vừa thay ra!”.

    Quả thực, các chị ấy nói đúng! Không những thế, em còn thấy ở Hà Nội những điều mà một đứa con gái nhà quê như em chưa bao giờ được thấy: đó là cảnh những đôi trai gái âu yếm, ôm hôn nhau say sưa trên ghế đá bên hồ, dù xung quanh rộn ràng người qua xe lại; đó là sự phân cấp giàu nghèo đến khắc nghiệt khi một người đàn ông rách rưới bới tung cái thùng rác đặt trước cửa một trung tâm thương mại xa hoa để tìm những vỏ chai, nắp hộp; là cảnh những cô gái bán hoa lang thang, mời gọi khách bên đường…

    Đêm qua, Hà Nội đổ mưa! Mưa nhảy rầm rập, bồm bộp trên mái tôn, dồn dập, liên hồi. Liệu có phải vì vậy mà em thấy mưa Hà Nội cũng khác mưa ở quê mình? Em gọi điện cho bố, em khóc, em nói rằng em rất nhớ nhà, và nhớ bố! Em không biết bố có khóc không, em chỉ thấy giọng bố nghèn nghẹn, buồn buồn: “Con gái à! Ai rồi cũng phải lớn, phải lo cho cuộc sống của riêng mình! Và đó là những thứ mà con phải thích nghi, phải hòa đồng!”.

    Các chị sinh viên phòng bên thấy em khóc thì ai nấy đều an ủi, dỗ dành. Họ bảo rằng hồi mới lên đây, họ cũng như em vậy, cái gì cũng ngợp, cũng sợ sệt, rụt rè. Nhưng giờ, họ đã quen với tất cả, họ thích cuộc sống ở nơi này! Nhiều người được nghỉ hè còn chẳng muốn về quê, ra trường rồi họ sẽ vẫn quyết tâm trụ lại!

    Em tin là họ nói thật! Và em hiểu rằng nếu lên học ở đây, em cũng sẽ phải thích nghi như thế! Có thể một lúc nào đó, em không còn thấy ngại ngùng khi mặc ra đường những bộ quần áo ngắn ngủi, hở đùi, hở cổ; không đỏ mặt bởi những cái ôm ngoài công viên hay những chiếc hôn trên ghế đá; không lạ lùng khi nhìn cảnh chèo kéo, mời chào của những gái bán hoa. Có thể, một lúc nào đó, em sẽ cắt đi mái tóc tết đuôi sam óng ả này để uốn xoăn, hấp nhuộm; sẽ cất đi đôi dép quê loẹt quẹt kia và bước lên đôi giày cao gót có ghim những viên đá nhỏ với quai đỏ dây hồng. Nhưng em à, anh mong là em sẽ không quên, rằng em đã lớn lên từ tình yêu thương của cha và mẹ, từ hạt gạo vàng của đồng lúa bao la, và từ dòng nước xanh của con sông quê êm ả, hiền hòa…

    Tác giả: Võ Tòng Đánh Mèo​
     

    Bình Luận Bằng Facebook

    data-href="https://cnttqn.com/threads/tuy-but-em-len-pho.3353.html"

    Bài viết mới