Tôi bộc lộ năng khiếu y học ngay từ khi còn rất nhỏ. Bố tôi kể rằng, năm tôi lên ba, tôi đã có khả năng nhìn cứt gà mà kết luận được chính xác con nào đang bị táo bón và con nào đang tiêu chảy (cái này là tôi hơn hẳn bố tôi, vì năm bố tôi lên ba tuổi, ông mới chỉ có khả năng nhìn cứt gà thôi, chứ chưa đưa ra được kết luận gì cả). Rồi năm tôi lên bảy, nhà tôi có nuôi một con chó, nó bị ghẻ, lúc bận việc thì không sao, chứ lúc rảnh là nó ngồi vắt chân chữ ngũ, tay gãi xoành xoạch khắp người, lông rụng lả tả, bay bồng bềnh khắp nhà. Bố tôi thương nó quá, mới bảo tôi là xem có cách nào chữa trị giúp cho nó hết rụng lông, đồng thời, nhà tôi cũng đỡ phải chịu cảnh lông bay tứ tung. Tôi nghe vậy thì liền mấy ngày trời đi lang thang khắp làng hỏi dò, tìm hiểu, nghiên cứu những bài thuốc chữa chó ghẻ được truyền miệng trong dân gian, rồi kết hợp cả với những kiến thức y học hiện đại, cộng thêm năng lực sẵn có của một thần đồng thú y học, thì cuối cùng, tôi cũng đã tìm ra bài thuốc đặc trị cho con chó nhà tôi... Chỉ hai ngày sau khi uống thuốc thôi, lông con chó đã không còn rụng nữa, vì nó đã rụng một phát hết sạch rồi. Những lúc nó nằm im, trông nó trùng trục như con chó thui chuẩn bị được cho vào nồi, mụn ghẻ mọc đầy người, như sida giai đoạn cuối. Giờ, nó có gãi cả ngày cũng chả thể có sợi lông nào bay vào được nhà tôi: đúng mong muốn của bố tôi quá rồi! Ấy vậy mà chả hiểu sao bố tôi vẫn chưa hài lòng, ông nổi giận, quát tôi đùng đùng: "Tao bảo mày chữa cho nó hết rụng lông, chứ có bảo mày chữa cho nó rụng hết lông đâu hả thằng khùng!". Tôi nghe vậy thì cúi đầu, giọng ngậm ngùi: "Con nghe nhầm! Con xin lỗi ạ!". Thế rồi là cũng thôi, chả sao cả! Tôi cũng nhớ, nhà chú tôi có nuôi một con lợn đực chuyên để đi phối giống cho những người nuôi lợn sề trong xã. Một hôm, chú tôi tất tả chạy sang nhà gặp tôi để nhờ vả. Chả là con lợn đực nhà chú vừa đi phối giống về, gặp con lợn sề dâm quá, đúng lúc cao trào, con lợn sề đó quay lại ngoạm yêu ngay một phát vào hòn dái con lợn đực nhà chú. Vết cắn khá sâu, nên chú nhờ tôi qua khâu, đồng thời sát trùng giúp, kẻo lại bị nhiễm trùng thì nhục. Tôi lập tức xách đồ nghề, kim chỉ, phi ngay qua nhà chú, hì hục ngồi khâu. Mấy hôm sau, lại thấy chú chạy sang, nói với tôi bằng giọng hoang mang: "Mày khâu nhầm rồi cháu ơi! Nó bị cắn hòn bên trái, mày lại đi khâu hòn phải!". Tôi lại hớt hải qua nhà chú, nhưng quá muộn rồi: cái hòn bên trái bị cắn đã nhiễm trùng và hoại tử, nhìn nhợt nhạt như vừa bị nhúng vào nồi lẩu; hòn bên phải bị khâu nhầm cũng đang mưng mủ và sưng to, chảy sệ và lủng lẳng như vú bà chửa. Tôi thấy vậy thì cúi đầu, giọng ngậm ngùi: "Cháu khâu nhầm! Cháu xin lỗi ạ!". Thế rồi là cũng thôi, chả sao cả! Thậm chí, mấy hôm sau, con lợn ấy chết, chú còn mời tôi sang uống rượu, ăn lòng lợn tiết canh, chú cháu nâng ly, cười ha hả! Nói vậy để thấy, trong y học, nhầm lẫn là chuyện bình thường, chả sao cả! Bác sĩ nào có trót mổ nhầm, khâu nhầm cho bệnh nhân, thì hãy cứ làm theo cách của tôi: cúi đầu, giọng ngậm ngùi: "Tôi mổ nhầm! Tôi xin lỗi ạ!". Thế rồi là cũng thôi, chả sao cả! Tác giả: VÕ TÒNG ĐÁNH MÈO