Hệ thống mạng là xương sống của cả một công ty. Do đó, không doanh nghiệp nào dám giao vị trí quản trị mạng cho sinh viên mới ra trường chưa có kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm còn non kém.. Trước đây, phần lớn sinh viên học khoa CNTT đều chọn hướng đi lập trình mà ít chọn hướng mạng. Trong vài năm gần đây, ngành mạng đang trở nên hot và sinh viên học ngành này khá đông đảo, không thua gì ngành lập trình. Tuy nhiên, nhìn chung, cơ hội việc làm cho sinh viên ngành mạng lại ít hơn ngành lập trình. Nghe thật vô lý. Lướt qua các trang web việc làm, bạn sẽ thấy nhu cầu tuyển nhân sự ngành mạng rất nhiều. Đó là điều hiển nhiên vì công ty nào cũng có hệ thống mạng và cần người quản trị mạng. Do đó, phải nói là cơ hội việc làm ở ngành này nhiều vô số kể. Thế nhưng, cơ hội đó không dành cho sinh viên ngành mạng mới ra trường. Chỉ cần đọc yêu cầu của các vị trí tuyển dụng đã thấy “chóng mặt” rồi. Nào là danh sách dài lê thê các chứng chỉ cần có, kinh nghiệm làm việc, kỹ năng làm việc, thành thạo một số kiến thức chuyên sâu phù hợp với công việc của doanh nghiệp, đặc biệt là lúc nào cũng thấy dòng chữ “Phải có ít nhất 1-2 năm kinh nghiệm”. Vấn đề lại nằm ở chỗ, muốn đáp ứng được các yêu cầu kể trên đòi hỏi người sinh viên phải học hỏi, rèn luyện thêm nhiều kiến thức chuyên sâu và thực hành thật nhuần nhuyễn trên thiết bị thật qua những đợt thực tập trong môi trường doanh nghiệp. TÌM CHỖ THỰC TẬP: KHÓ HƠN LÊN TRỜI Có thể thấy, ít công ty nào có chương trình tuyển thực tập sinh ngành mạng với quy mô lớn, bài bản như các công ty phần mềm. Nghe nói đến việc cho sinh viên ngành mạng thực tập là doanh nghiệp chỉ có nước lắc đầu với câu nói quen thuộc “Ai dám giao hệ thống mạng cho người thiếu kinh nghiệm”. Không phải ngẫu nhiên doanh nghiệp lại ngán ngẫm như vậy. Trước đây, cũng có một số doanh nghiệp cho sinh viên ngành mạng thực tập nhưng sau một thời gian “vọc” hệ thống mạng, sinh viên đã để lại hậu quả nặng nề. Không chỉ có nhà tuyển dụng, ngay cả các trung tâm đào tạo nghề, nơi có số giờ thực hành nhiều hơn giờ học lý thuyết, cũng phải cử nhiều người giám sát chặt chẽ quá trình thực hành trên thiết bị thật của học viên. Theo đại diện của trung tâm đào tạo VnPro, thiết bị mạng rất tốn kém, nếu lơ là để học viên làm hỏng thì học phí cao đến đâu cũng không thể bù được. Không phải sinh viên nào cũng có khả năng tài chính để theo đuổi các chứng chỉ quốc tế. Viện Công Nghệ Kỹ Thuật Sài Gòn - SaigonCTT là đơn vị rất “chịu khó” đưa ra các chương trình thực tập và học bổng cho sinh viên nhằm hỗ trợ các bạn sinh viên hiếu học. Qua đó, sinh viên sẽ được tiếp cận công nghệ mới và có cơ hội “chạm” tay vào thiết bị thật, dưới sự hướng dẫn của các giảng viên giỏi nghề. Nhưng để có được cơ may đạt học bổng hoặc được thực tập, sinh viên phải trải qua kỳ thi tuyển hoặc phỏng vấn. Dù bài thi không khó, nhưng những bạn sinh viên nào học tập nghiêm túc mới có thể vượt qua. ĐI TỪ DƯỚI LÊN Hướng đi duy nhất cho các bạn sinh viên CNTT nói chung và ngành mạng nói riêng là từ thấp lên cao, kiên trì khắc phục từng nhược điểm của một người sinh viên mới ra trường. Theo Ông Nguyễn Việt Thanh, Giám đốc marketing của Trung tâm đào tạo Edufirst và cũng là người có kinh nghiệm lâu năm trong việc tuyển dụng nhân sự cho doanh nghiệp, sinh viên có thế mạnh là nền tảng căn bản vững chắc, giúp sinh viên có thể tiếp cận công nghệ mới dễ dàng và tự mày mò, nghiên cứu. Đây là yếu tố quyết định để phát triển nghề nghiệp trong tương lai. Bên cạnh đó vì học trong môi trường tập thể, sinh viên sẽ phát triển được những kỹ năng mềm. Nếu trang bị thêm kiến thức từ các trường đào tạo nghề, sinh viên sẽ được thực hành với mô hình, dự án thực tế khiến sinh viên không bỡ ngỡ khi làm việc tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó những chương trình đào tạo tại các trung tâm giúp sinh viên đi sát với những gì mà doanh nghiệp đang cần, từ đó nâng cao khả năng tìm việc sau khi tốt nghiệp. Đối với chuyên ngành mạng hiện có một số chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng như sau: CCNA, MCITPc2008, Exchange 2k7/2k10, TMG 2k10, Linux Network Aministration ... Cũng đồng ý với ý kiến trên, Ông Nguyễn Trung Dũng, trưởng khoa CNTT của trường Trung cấp Quang Trung, cho biết trong lĩnh vực mạng máy tính, các trường cao đẳng, đại học thường không được trang bị các hệ thống thiết bị mạng hiện đại, nên sinh viên không được tiếp cận và thực tập trên hệ thống mạng thực tế. Do đó, sinh viên vẫn phải “tự bơi” tìm chỗ thực tập. Ngoài việc thực hành tại các trung tâm dạy nghề, Ông Dũng bổ sung thêm rằng sinh viên vẫn nên tìm chỗ thực tập tại các doanh nghiệp. Không phải sinh viên nào đi học các chứng chỉ CNTT quốc tế về quản trị mạng cũng đủ sức tự quản lý mạng của một công ty cỡ vừa. Thông thường sinh viên phải đi thực tập trong thời gian khoảng 3 tháng. Trong thời gian đó sinh viên phải cọ xát với môi trường mạng thực tế, học cách tự làm chủ hệ thống mạng, cách thức ghi lại tài liệu quản trị, khoanh vùng và xử lý sự cố, backup hệ thống... dưới sự hướng dẫn của người quản trị mạng giỏi của công ty. Thời gian thực tập cũng là dịp để sinh viên áp dụng những gì đã học vào thực tế, giúp “lên tay nghề” nhanh chóng. CHỌN CÔNG VIỆC PHÙ HỢP Nói vậy không có nghĩa doanh nghiệp bỏ qua đối tượng là sinh viên mới ra trường. Theo Ông Nguyễn Việt Thanh, tùy vào vị trí làm việc, mà doanh nghiệp cần ứng viên có kinh nghiệm hay không. Đối với các vị trí như IT Support hoặc triển khai hạ tầng mạng, các doanh nghiệp thường không đòi hỏi khắt khe về kinh nghiệm làm việc, chỉ cần ứng viên đáp ứng tốt yêu cầu đặt ra là được, vì các công việc ở vị trí này chỉ bao gồm hỗ trợ người dùng (nhân viên) trong việc sử dụng máy tính và các thiết bị khác như dây mạng, email ... Còn ở vị trí quản trị hệ thống, máy chủ, yêu cầu có kinh nghiệm được đặt lên hàng đầu. Một số công ty vừa và nhỏ với số máy tính ít chỉ cần tuyển người quản trị mạng vững chuyên môn để làm các công việc như quản trị, phát triển mạng máy tính, duy trì máy tính hoạt động tốt, bảo dưỡng, nâng cấp mạng nội bộ, internet, máy vi tính, máy văn phòng, cài đặt phần mềm, xử lý các sự cố xảy ra trong quá trình mạng hoạt động như chống virus, bảo mật cơ sở dữ liệu…Hoặc nếu bạn có khiếu ăn nói và đầu óc kinh doanh, bạn có thể tập tành ở vị trí nhân viên kinh doanh, tư vấn kỹ thuật… Hãy bắt đầu từ vị trí thấp, lương thấp để có sự khởi đầu cho những công việc đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, lương cao sau này. Nguồn: Matebe.com