Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) của Quảng Ninh đã bảo hộ và giới thiệu gần 200 sản phẩm ra thị trường trong nước và hướng tới thế giới. Giúp người dân ‘biết mặt nhớ tên’ nông sản Quảng Ninh Từ tháng 10/2013, trên cơ sở sáng kiến của Ban Xây dựng nông thôn mới, UBND Tỉnh đã phê duyệt Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” gọi tắt là OCOP, với mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế ở các địa bàn xã, phường, thị trấn. Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên ở Việt Nam triển khai Chương trình OCOP dựa trên các kinh nghiệm học hỏi từ OVOP quốc tế và triển khai ở Việt Nam. Sau hơn ba năm triển khai, toàn tỉnh có gần 200 sản phẩm OCOP với bao bì, nhãn mác, kiểu dáng chuyên nghiệp thuộc nhóm thực phẩm, ẩm thực, đồ uống… Nếu như trước đây, người tiêu dùng chỉ biết đến ít thương hiệu sản phẩm của địa phương như: Gà Tiên Yên, Chả mực Hạ Long, Miến Dong Bình Liêu…Thì giờ đây, thông qua chương trình OCOP, nhiều nông sản ở các vùng miền, địa phương trong tỉnh như: Vải Phương Nam, Nước mắm Cái Rồng, Na dai, gạo nếp cái hoa vàng Yên Đức (Đông Triều), Ba kích tím, Trà hoa vàng Ba Chẽ, Khau Nhục, Bánh gật gù, Kẹo Lạc Hồng Tiên Yên, Bánh gio, Nem chua Quảng Yên, Sá sùng, Ruốc, Hàu Vân Đồn; Chè, Mía tím, Bánh chưng Cơm Lông Hải Hà; Miến dong, Mật Ong, Dầu Sở Bình Liêu; Mực một nắng,Cá Thu một nắng, sứa Cô Tô; Tinh dầu Trầu tiên, rượu Mơ Yên Tử; Ruốc Hàu, Ruốc Cơ Trai Vân Đồn; Ổi, Rượu Bâu Hoành Bồ… đã được nhiều người biết đến, ưa chuộng và tin dùng. Ảnh: Theo baodautu Cùng với chương trình OCOP, hàng năm tỉnh Quảng Ninh đều tổ chức Hội chợ OCOP vào các dịp hội hè trong năm thu hút được sự quan tâm của người dân và du khách. Hội chợ lần nào đươc tổ chức cũng rơi vào tình trang “cháy hàng” vì lượng mua của người dân quá lớn, các gian hàng OCOP phải liên tục nhập thêm hàng để đảm bảo cung cấp đủ cho nhu cầu mua sắm của du khách và người dân. Chỉ riêng hội chợ OCOP Quảng Ninh hè 2016 diễn ra từ ngày 29/4 – 3/5 đã thu hút gần 6 vạn lượt khách đến tham quan và mua sắm. Doanh thu bán hàng trực tiếp của các địa phương luôn đạt con số kỷ lục với hàng tỷ đồng chỉ sau vài ngày diễn ra. Kết nối đưa sản phẩm OCOP lên kệ hàng siêu thị Dù đã vang danh ở thị trường trong nước và được người dân ưa chuộng nhưng đường lên kệ hàng của các sản phẩm OCOP Quảng Ninh vẫn còn lắm gian nan. Đó là việc gặp khó khi làm thủ tục hồ sơ giấy tờ xin cấp giấy chứng nhận ATTP – ‘giấy thông hành’ tới thị trường. Dù có tới gần 200 sản phẩm OCOP nhưng hiện Quảng Ninh mới có 21 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận công bố hợp quy hoặc phù hợp quy định ATTP. Theo tiết lộ của một công ty, dù có tới 10 năm kinh nghiệm mà để hoàn tất thủ tục giấy tờ công bố chất lượng sản phẩm, công ty này cũng phải mất tới 2 tháng. Sự rắc rối này khiến các hợp tác xã, doanh nghiệp, người dân e ngại. Trong khi thiếu giấy thông hành chứng nhận hợp quy hay phù hợp quy định ATTP, đường vào siêu thị hay ra các tỉnh thành lớn như Hà Nội, TP.HCM của các sản phẩm OCOP… còn xa. Về vấn đề này, chia sẻ với Báo Quảng Ninh, ông Phạm Ngọc Thuỷ, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP, thời gian tới ngành sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ với các nhà phân phối trong và ngoài nước, từng bước đưa hội chợ OCOP cấp tỉnh trở thành hoạt động thường niên. Bên cạnh đó, các đơn vị và địa phương cần hỗ trợ tích cực hơn nữa cho các tổ chức, cá nhân đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, kiểu dáng bao bì. Đặc biệt, các địa phương cần rà soát đưa ra các sản phẩm chủ lực để tập trung phát triển, đẩy mạnh liên kết giữa các tổ chức, cá nhân và nhất là thúc đẩy hệ thống bán hàng trực tuyến. D.Minh (tổng hợp)