Làm sao có việc ngay sau khi ra trường luôn là mối quan tâm, lo lắng hàng đầu của mỗi sinh viên. Dưới đây là một vài lưu ý nhỏ, mong rằng sẽ giúp các bạn sinh viên bớt đi phần nào lo lắng, lúng túng trước khi xin việc. Bước 1: Xác định được cơ hội việc làm Bạn có thể tìm địa chỉ tuyển trên báo chí, đài truyền hình, các trung tâm giới thiệu việc làm. Ngày hội việc làm hay trong quan hệ cá nhân, cơ quan bạn thực tập… Bước 2: Phân tích công việc xem có phù hợp với mình không Để tìm hiểu xem công việc có phù hợp với mình không bạn nên đọc kỹ mọi chi tiết về vị trí công việc hoặc hỏi người có kinh nghiệm. Cần phải tìm hiểu về cơ quan tuyển dụng trên niên giám điện thoại hoặc tổng đài 1080, nhưng tốt nhất là catalô của chính họ. Bước 3: Phân tích bản thân mình xem có phù hợp với công việc không Tìm hiểu xem kiến thức, sở thích, tính cách, các điểm mạnh, yếu, có đáp ứng được công việc không đó không? Để tránh thất bại. bỏ dở khi đã đến làm việc, bạn phải đánh giá khách quan bản thân mình. Bước 4: Làm hồ sơ xin việc - Để chủ động khi làm hồ sơ xin việc, bạn nên dự trữ nhiều bộ hồ sơ khi cần nộp tại các cơ quan khác nhau. Trên máy lưu mỗi hồ sơ vào một file riêng để dễ tìm, dễ nhớ. - Hồ sơ xin việc thường gồm một đơn xin việc, một bản tóm tắt lý lịch, giấy khai sinh, giấy khám sức khỏe, bản sao các văn bằng, thư đề nghị, giấy khen, ảnh… - Đơn xin việc có thể viết tay, nhưng nếu đánh máy phải dùng kiểu chữ thống nhất trên A4, nội dung ngắn gọn, nêu lý do nộp đơn; mục tiêu tìm việc; tình trạng hiện tại của bản thân; sự quan tâm đến vị trí dự tuyển; mong muốn có cơ hội gặp gỡ và trao đổi với cơ quan. Nhớ ghi địa chỉ liên hệ. Bước 5: Gửi hồ sơ xin việc - Ghim toàn bộ hồ sơ bỏ trong bao cỡ A4, dán cẩn thận và ghi chính xác địa chỉ của mình. Nếu ở gần, bạn nên tự mang đến nộp, ở xa dùng thư bảo đảm. - Sau khi gửi, gọi điện tới nơi tuyển dụng xem hồ sơ của mình đã tới chưa. Kiểm tra, nếu bị thất lạc chuẩn bị ngay hồ sơ khác để khỏi mất cơ hội. Bước 6: Nếu được gọi phỏng vấn, bạn nên có các bước chuẩn bị sau: - Xem lịch phỏng vấn hoặc gọi điện xác nhận. - Phải biết mình sắp gặp ai (tên, tuổi, chức vụ của họ). - Phải biết rõ địa chỉ cụ thể của buổi phỏng vấn. Tốt nhất, từ hôm trước nên ghé qua địa chỉ tuyển dụng để hôm sau khỏi phải tìm. - Phải chú ý đến tác phong, trang phục sạch sẽ gọn gàng, tốt nhất nên dùng thời trang công sở. Phải dự kiến câu hỏi và trả lời, chuẩn bị cho những tình huống bất ngờ có thể xẩy ra. Nên "thực tập" trước với bạn bè hay mọi người trong gia đình để được góp ý, chỉnh sửa. - Để đối phó với những tình huống ngoài dự kiến, phải bình tĩnh, nhanh nhẹn. Ví dụ: nếu người phỏng vấn hỏi về nhược điểm của bạn, bạn nên trả lời những nhược điểm nhỏ, ít ảnh hưởng đến công việc. Nếu được hỏi về mức lương thì bạn nên đưa ra một khoảng nào đó phù hợp. Bước 7: Tham dự phỏng vấn Bạn nên đến sớm 20 - 30 phút để đề phòng những tình huống bắt trắc. Nếu phải chờ, nên tìm chỗ ngồi thuận tiện để nghe gọi tên, không nên uống nhiều nước hoặc nói chuyện quá ồn, tránh nghe điện thoại di động. Để tạo ấn tượng ban đầu, bạn nên bắt tay, lễ độ... Chỉ ngồi khi được mời. Ngồi ngay ngắn, mắt không nhìn đồng hồ hoặc nhìn láo liên. Bình tĩnh; không trả lời hấp tấp hoặc làm ra vẻ hài hước; không tỏ ra tự kiêu và dùng tiếng lóng. Có thể hỏi lại những câu hỏi không hiểu, luôn kiểm soát để tránh trả lời mâu thuẫn. Khi có cả nhóm người phỏng vấn, nói để mọi người đủ nghe, mắt nhìn vào người đặt câu hỏi. Nên nhớ rằng, hình ảnh luôn được coi trọng là có trình độ, trung thực, tự tin, có trách nhiệm, năng động, yêu công việc. Bước 8: Sau phỏng vấn Viết thư cảm ơn về buổi phỏng vấn. Có thể gọi điện hỏi kết quả, thể hiện nhiệt tình và nhắc lại tên mình. Nếu nhận được thư chấp nhận thì gọi điện hoặc trực tiếp đến cảm ơn. Nếu nhận được thư báo không trúng tuyển: bạn vẫn nên viết thư cảm ơn và mong muốn có cơ hội lần sau. Điều bạn luôn ghi nhớ là hãy luôn tự khẳng định "tôi có thể làm được". Theo: GV Nguyễn Thị Cầm - Bộ môn Tâm lý - Trường Đại học Hà Tĩnh