Độ tuổi “ngoài 20 - trước 30” được xem là một trong những giai đoạn thú vị nhất trong cuộc đời mỗi người. Lúc này, đa phần chúng ta đã kết thúc việc học, bắt đầu đi làm, đã nếm mùi yêu… Đây là giai đoạn cuộc sống chuyển động nhanh không ngừng, có nhiều biến động, và vì còn quá trẻ, chúng ta không ngừng tự vấn nhiều điều, có lúc nghi ngờ bản thân, thậm chí, sẽ trải qua một vài cuộc khủng hoảng “tuổi đôi mươi”. Dưới đây là những bộ phim phản ánh chính xác cuộc sống và trải nghiệm của những con người trẻ tuổi, có thể giúp người xem có thêm sự hiểu biết về thế giới xung quanh: “The Graduate” (Sinh viên tốt nghiệp - 1967): Dù đã nhiều thập kỷ trôi qua nhưng chưa có bộ phim nào nắm bắt tâm lý bối rối, vô định của những con người vừa chính thức kết thúc sự nghiệp học hành như “Sinh viên tốt nghiệp”. Cả một cuộc sống mới rộng lớn mở ra chờ đợi trước mắt, nhưng cũng có gì đó như sự mất mát, vĩnh viễn đặt lại phía sau. “Groundhog Day” (Ngày chuột chũi - 1993): Phim khắc họa cú sốc đến từ cuộc sống nhàm tẻ nơi công sở, khi mỗi ngày đều diễn ra mà không có gì khác biệt, nhưng bạn hoàn toàn có khả năng tự thay đổi cuộc sống của mình. “Chungking Express” (Trùng Khánh Sâm Lâm - 1994): Trong những năm tháng trưởng thành, có thể bạn sẽ phải một mình tới thành phố xa lạ lập nghiệp, khi đó, việc tìm được những người bạn đích thực là điều khó khăn. Có những lúc bạn cảm thấy mình thực sự cô độc. Hiếm phim nào khắc họa cảm giác cô đơn giữa thành phố hay như “Trùng Khánh Sâm Lâm”. “Before Sunrise” (Trước lúc bình minh - 1995): Bộ phim này cùng với hai phần phim tiếp theo, gồm “Before Sunset” (Trước lúc hoàng hôn - 2004) và “Before Midnight” (Trước lúc nửa đêm - 2013), là những khắc họa đẹp nhất từng thấy trên màn bạc về tình yêu. “Office Space” (Cách mạng công sở - 1999): Khi bắt đầu làm quen với cuộc sống nơi công sở, bạn trẻ sẽ phải làm quen với cảm giác lặp đi lặp lại của việc “mỗi ngày như mọi ngày”. “Cách mạng công sở” khai thác sự lặp lại đều đều đó của cuộc sống cơm áo trong giai đoạn trưởng thành. “The Royal Tenenbaums” (Gia đình thiên tài - 2001): Trong những bộ phim nói về đề tài gia đình dành cho đối tượng người xem trưởng thành, không thể bỏ qua “Gia đình thiên tài” - một bộ phim cảm động về giá trị của tình thân. “Legally Blonde” (Luật sư không bằng cấp - 2001): Nàng Elle điệu đà cố gắng vào trường luật Harvard để theo đuổi một chàng trai mà cô tưởng rằng mình không thể thiếu trong đời, nhưng rồi cô nhận ra rằng cuộc sống không vì thế mà dừng lại, nếu không có được anh ta. Chuyện phim hài hước, lạc quan cho thấy “không nên đánh giá cuốn sách dựa trên bìa của nó”. “Eternal Sunshine of the Spotless Mind” (Ký ức tình yêu - 2004): Sau khi mối quan hệ tình cảm trở nên tệ hại, một cặp đôi quyết định sẽ xóa bỏ mọi ký ức về nhau. Nhưng trong lúc xóa dần từng ký ức, họ mới nhận ra đối phương quan trọng với mình tới mức nào. “The Devil Wears Prada” (Yêu nữ thích hàng hiệu - 2006): Đời sống ở nơi làm việc chính là một trong những nét mới mẻ, thú vị và cũng kịch tính, cam go nhất trong đời sống của những người trẻ. “Yêu nữ thích hàng hiệu” là một phim hài không thể bỏ qua khắc họa chân thực đời sống nơi công sở. Phim là câu chuyện về tham vọng, sự tử tế, và mục đích sống… “500 Days of Summer” (500 ngày yêu - 2009): Bộ phim hài tình cảm lãng mạn là một tác phẩm dễ xem nhưng không kém phần sâu sắc kể về cách một mối tình đẹp có thể đi chệch hướng như thế nào và người ta sẽ phải đau khổ ra sao để có thể vượt qua những sự mất mát đầu đời. “The Social Network” (Mạng xã hội - 2010): Tham vọng và sự cạnh tranh có những mặt tích cực nhưng hãy cẩn trọng nếu bạn quá tham vọng và luôn cạnh tranh, hơn thua trong cuộc sống, kết cục, chính bạn sẽ là người phải trả giá đắt nhất. “50/50” (Hên xui - 2011): Dựa trên trải nghiệm của chính biên kịch Will Reiser khi phải đương đầu với căn bệnh ung thư, “Hên xui” nói về cách cuộc sống có thể bất ngờ chuyển hướng, thậm chí theo những cách rất bi kịch, vì vậy, trân trọng những gì bạn đang có, những người đang ở bên bạn luôn là việc chúng ta nên làm mỗi ngày. “Frances Ha” (Nàng Frances - 2012): Chuyện phim kể về một nữ vũ công thất nghiệp, cố gắng xoay xở trả tiền thuê nhà và theo đuổi ước mơ dù rằng mọi thứ diễn ra tưởng như vô vọng. “In a World…” (Trong một thế giới - 2013): Bộ phim hài kể về cô gái trẻ muốn trở thành nghệ sĩ lồng tiếng, dù giọng nói không thực sự hay. Khi bước vào cuộc sống cơm áo, người trẻ chắc chắn không tránh khỏi những cú sốc đến từ thực tế, nhưng điều quan trọng, là không để mất lòng tin. Có thể xuất phát điểm không thực sự tốt, nhưng hãy kiên trì, nhẫn nại… “The Wolf of Wall Street” (Sói già phố Wall - 2013): Mỗi con người đều có tham vọng, nhưng nếu không thể kiểm soát tham vọng của mình, đó sẽ là nguồn cơn cho những sự đổ vỡ. “Beyond the Lights” (Theo đuổi hào quang - 2014): Cô ca sĩ trẻ cảm thấy bị nhấn chìm bởi áp lực của sự nổi tiếng. Cô bất ngờ rơi vào cuộc tình với một anh cảnh sát. Anh đã ở bên nâng đỡ cô trong những lúc khó khăn, suy sụp nhất, dù bản thân anh cũng đang gặp khó khăn trong công việc. Một bộ phim nhẹ nhàng, cảm động về ý nghĩa của tình yêu. “Obvious Child” (Đứa con hiển nhiên - 2014): Bộ phim hài nhưng chứa đựng nhiều thông điệp sâu sắc về cuộc sống của những phụ nữ trưởng thành, khi “thiên chức làm mẹ” không phải lúc nào cũng đến vào thời điểm lý tưởng nhất, khi đó, người phụ nữ phải đưa ra những quyết định khó khăn. “Boyhood” (Thời thơ ấu - 2014): Khi bước vào cuộc sống trưởng thành, bạn sẽ thường nhớ về quá khứ, về thời thơ ấu, về những gì đã vĩnh viễn ở lại phía sau. Bộ phim “Boyhood” được quay trong gần 12 năm, theo sát sự trưởng thành chân thực của diễn viên nam chính. Phim đã từng tạo thành hiện tượng khi khắc họa sự trưởng thành một cách kỳ công hiếm thấy. “Tangerine” (Khu vườn quýt - 2015): Bộ phim vui nhộn kể về cô gái chuyển giới phát hiện ra bạn trai đang lừa dối mình. Phim là bài học về cách tìm kiếm tình bạn khi chúng ta đều đã trưởng thành, về cách tìm kiếm sự an ủi khi bạn đang cô đơn nhất, và hãy kiên cường bước tiếp cho dù bạn đang trải qua nỗi đau gây nên bởi người những tưởng mình thương yêu nhất. “Creed” (Tay đấm huyền thoại - 2015): Adonis muốn trở thành võ sĩ quyền anh nổi tiếng, anh là con trai của một “tay đấm huyền thoại”. Sự nghiệp thành công của cha vừa đem lại cho Adonis niềm tự hào vừa khiến anh cảm thấy mệt mỏi. Bất cứ ai từng cảm thấy khổ sở bởi những kỳ vọng mà cha mẹ đặt vào mình sẽ tìm thấy điểm chung với nhân vật Adonis trong phim. “Moonlight” (Ánh trăng - 2016): Chuyện phim kể về Chiron, một thanh niên da màu đồng tính bắt đầu bước vào tuổi trưởng thành. Cuộc sống của Chiron xoay quanh những câu hỏi như: Tai sao mọi thứ không bao giờ diễn ra theo đúng kế hoạch? Có quá muộn không nếu muốn thay đổi chính mình? “Me Before You” (Trước ngày em đến - 2016): Bộ phim vừa hài hước, lãng mạn, vừa đau đớn, ám ảnh. Tình yêu có thể nâng đỡ con người ta thật kỳ diệu ngay giữa bi kịch, nhưng sau cùng, mỗi người vẫn phải tự đối diện với cuộc đời và số mệnh của mình. Sau cùng, vẫn có những lúc chúng ta cảm thấy đen tối, trống trải và cô độc, ngay cả khi đã tìm thấy tình yêu. “La La Land” (Những kẻ khờ mộng mơ - 2016): Tình yêu và sự nghiệp đôi khi không song hành, để có được thứ này, có thể bạn buộc phải hy sinh thứ khác và mãi khắc khoải nhớ về quá khứ bằng sự tiếc nuối “giá như”. Nguồn: Dân Trí Bích Ngọc Theo Business Insider