Hiện nay, thẻ nhớ SD đang được sử dụng rộng rãi trên rất nhiều thiết bị điện tử đặc biệt là máy ảnh compact và DSLR. Việc lựa chọn cho mình một chiếc thẻ SD cũng không quá khó. Bạn chỉ cần ưu tiên chọn theo tốc độ xử lý và dung lượng lưu trữ của thẻ, đồng thời chắc chắn rằng máy ảnh của mình hỗ trợ những loại thẻ nhớ nào, cho phép lưu trữ dung lượng tối đa bao nhiêu và sử dụng hình thức truyền tải dữ liệu gì. Dung lượng thẻ SD cũng khá đa dạng, tùy thuộc từng loại thẻ như thẻ SD chuẩn (dung lượng chỉ 2 GB), thẻ SDHC (dung lượng hỗ trợ tối đa 32 GB) và thẻ SDXC (dung lượng có thể đạt đến 2 TB). Trong khi đó, về tốc độ ghi dữ liệu sẽ do chỉ số Class quy định. Class 2 (thấp nhất) đảm bảo tốc độ đọc ghi ổn định ở 2MB/s, Class 4 (4MB/s), Class 6 (6MB/s) và Class 10 (10MB/s). Cách đặt ra tốc độ tiêu chuẩn này nhằm đảm bảo cho khách hàng có thể chọn lựa đúng thẻ nhớ mình cần tùy theo chứ năng định sử dụng, nhất là khi dùng để quay video. Tuy nhiên, việc sử dụng thẻ SD đúng cách như thế nào để tránh hỏng hóc và giữ được độ bền cao lại không phải điều đơn giản. Dưới đây là 6 nguyên nhân có thể làm chiếc thẻ nhớ SD của bạn hoạt động kém hiệu quả thậm chí không thể sử dụng được nữa. 1. Lỗi Format Nên format thẻ nhớ trong máy ảnh thay vì format trên máy tính, bởi lẽ máy ảnh sẽ tự động định dạng phù hợp với việc chụp và lưu ảnh thay vì đơn thuần chỉ lưu file như trên máy tính. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên lạm dụng và sử dụng thường xuyên tính năng Format vì thông số và tuổi thọ của thẻ nhớ chỉ cho phép Format khoảng 1.000 lần. 2. Tháo “nóng” thẻ nhớ Trong tình huống thẻ nhớ SD đang hoạt động với camera hoặc trao đổi dữ liệu với máy tính, nếu bạn tháo “nóng” thẻ có thể sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực thậm chí làm hỏng thẻ SD. Mặc dù khả năng hỏng hoàn toàn là không cao nhưng thao tác tháo thẻ không an toàn này có thể làm bạn mất dữ liệu lưu trên thẻ, thậm chí cần định dạng lại mới có thể sử dụng tiếp. Với các máy đời cũ bạn buộc phải tắt máy tháo pin mới lấy thẻ được. Nhưng các thiết bị mới ngày nay được thiết kế tiện dụng hơn để bạn có thể "hot remove" mà không cần phải tắt máy tháo pin. Tuy nhiên bạn cũng nên hạn chế việc tháo lắp thẻ nhớ quá thường xuyên, điều đó sẽ làm cho thẻ của bạn mau hư hỏng phần tiếp xúc, thậm chí gây ra lỗi ở cả phần tiếp xúc trên camera. 3. Hư hại vật lý Thẻ nhớ SD không phải là một sản phẩm có độ bền cao. Nó dễ dàng hư hại nếu người dùng vô tình bỏ quên trong máy giặt hay chịu ảnh hưởng của những tác nhân vật lý như bị đè bởi vật nặng. Hiện nay vẫn tồn tại một số dịch vụ phục hồi lại dữ liệu cho thẻ SD bị hỏng hóc do các nguyên nhân trên nhưng bạn sẽ tốn một khoản chi phí cực kỳ đắt đỏ, lên tới hàng ngàn USD. Do đó, giải pháp an toàn ở đây là bạn nên sử dụng vỏ bảo vệ thẻ SD và cất chúng ở nơi an toàn khi không sử dụng đến. 4. Thẻ bị khóa Thẻ SD có một tính năng bảo mật là khóa thẻ để người dùng khác không thể thay đổi hoặc xóa những tập tin chỉ định trong thẻ. Tuy nhiên, bạn hãy để ý sẽ có một thanh gạt nhỏ (nằm bên hông của thẻ), hãy đưa thanh gạt về vị trí unlock là bạn đã có thể tiếp tục sử dụng và chỉnh sửa dữ liệu trên thẻ. Tất nhiên đây không phải là một lỗi của thẻ hay người dùng thẻ nhưng nếu không tìm hiểu kỹ, nhiều người dùng có thể lầm tưởng rằng chiếc thẻ nhớ của mình đang gặp trục trặc. 5. Đầu đọc thẻ quá chậm Mặc dù bạn sở hữu một chiếc thẻ nhớ SD tốc độ cao nhưng khi đi kèm một đầu đọc thẻ quá cũ không theo kịp tốc độ thẻ SD thì hiệu suất xử lý có thể trở nên rất ì ạch. Mọi thao tác sao chép dữ liệu cũng vì thế chậm đi đáng kể. Giải pháp trong tình huống này khá đơn giản, bạn chỉ cần trang bị cho mình một đầu đọc thẻ tốc độ cao hơn và hãy yên tâm là nó có giá thành tương đối phải chăng. 6. Tốc độ thẻ SD không đáp ứng được nhu cầu sử dụng Máy quay sử dụng thẻ SDHC sẽ đọc ghi dữ liệu theo quy trình khác so với máy ảnh. Do máy quay ghi dữ liệu liên tục lên thẻ nên các thẻ phải đảm bảo tốc độ rất ổn định, tối thiểu phải từ 4 MB/giây (Class 4) trở lên. Một thẻ nhớ Class 2 chỉ đủ dùng cho việc quay video chuẩn SD (Standard Definition) và bạn sẽ cần tới thẻ nhớ class 4 và 6 để quay video Full-HD. Nhìn chung, nếu bạn có nhu cầu quay phim HD/Full HD hoặc thường xuyên chụp ảnh có độ phân giải cao với số lượng lớn, hãy mua cho mình một chiếc thẻ loại Class 10. Tuy nhiên, nếu chỉ thỉnh thoảng chụp ảnh trong những chuyến dã ngoại ngắn ngày, hay quay vài đoạn video làm kỷ niệm, các thẻ nhớ Class 4 và 6 sẽ phù hợp hơn cả.