Ngành quản lý giáo dục góp phần tạo nguồn nhân lực cho việc xây dựng nền hành chính giáo dục chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Ảnh minh họa Quản lý giáo dục là gì? Một trường học bao gồm rất nhiều phòng ban khác nhau như: phòng đào tạo, phòng quản trị thiết bị, phòng hành chính tổng hợp, phòng kế toán tài chính, phòng tổ chức nhân sự... với đội ngũ nhân sự lên đến hàng trăm người người. Một giáo viên nghỉ dạy trong một buổi cũng sẽ ảnh hưởng đến nhiều lớp, nhiều giáo viên khác. Để không ảnh hưởng đến tổng thể chung các hoạt động giáo dục trong trường, cần phải có người sắp xếp tổ chức lại để đảm bảo ít xáo trộn nhất mà vẫn đảm bảo hoạt động dạy học. Đó là một phần công việc quản lý giáo dục. Điều khó khăn hơn là việc Thay đổi và cải tiến chương trình đào tạo không hề đơn giản, khi mà sự thay đổi liên quan đến rất nhiều phòng ban, nhân sự, nếu việc lên kế hoạch tổ chức không chặt chẽ, hoạt động chung của trường sẽ bị xáo trộn, rối loạn. Vì vậy trong nhà trường không thể thiếu vai trò quản lý, sắp xếp điều hành của các cá nhân có chuyên môn quản lý giáo dục trong nhà trường. Mục tiêu đào tạo ngành quản lý giáo dục Đào tạo cử nhân quản lý giáo dục có phẩm chất chính trị tư tưởng vững vàng; có thếg iới quan khoa học, có kỷ luật, có đạo đức nghề nghiệp; có ý thức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân; có ý sức khỏe và năng lực giao tiếp xã hội; nắm vững kiến thức cơ bản về quản lý giáo dục và kỹ năng thực hành quản lý giáo dục đáp ứng nhu cầu quản lý, nghiên cứu, ứng dụng khoa học quản lý giáo dục và các hoạt động của nhà trường và các cơ quan quản lý giáo dục các cấp trong và ngoài hệ thống giáo dục quốc dân; góp phần tạo nguồn nhân lực cho việc xây dựng nền giáo dục chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước. Vai trò của ngành quản lý giáo dục trong hoạt động giáo dục Ngành quản lý giáo dục có chức năng là tổ chức hoạt động giáo dục và giám sát đánh giá hoạt động giáo dục. Chức năng tổ chức giúp nhà trường hoạt động ổn định. Giám sát đánh giá hoạt động giáo dục giúp nhà trường cải thiện chất lượng hoạt động giáo dục. Đổi mới, cải tiến giáo dục luôn cần tới các nhà quản lý giáo dục vì mỗi điều chỉnh trong hoạt động của môt bộ phần sẽ ảnh hưởng đến các bộ phận khác. Nếu thiếu nhà quản lý giáo dục, việc cải tiến sẽ không đạt được mục tiêu, hoặc chỉ cải tiến được một phần nào đó nhưng lại ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các bộ phận khác. Danh sách các trường đào tạo Do tính chất chuyên sâu và đặc thù của ngành, chỉ một số ít trường mở đào tạo ngành này như: Học viện Quản lý giáo dục, Đại học Sư phạm, Đại học Vinh, Trường đại học sư phạm TP.HCM, Trường đại học Đồng Tháp, Trường đại học Sài Gòn, Trường đại học Quy Nhơn,... Môn xét tuyển: Toán, Vật lý, Hóa học hoặc Toán, Văn, Tiếng Anh hoặc Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý Cơ hội nghề nghiệp và vị trí công tác Ngành Quản lí giáo dục sẽ trang bị cho người học có đủ kiến thức và kỹ năng, phẩm chất để đảm nhận các công việc sau: Quản lý học sinh, sinh viên, quản lý đào tạo và quản lý cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho công tác giáo dục đào tạo, tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp và các công tác khác ở trường: mầm non, tiểu học, phổ thông, dạy nghề… Quản lý chuyên môn, hành chính, nhân sự tại các Sở, Phòng giáo dục và đào tạo. Làm công tác giảng dạy khoa học quản lý giáo dục ,ở các cơ sở nghiên cứu, các cơ quan tham mưu hoạch định chiến lược quản lý xã hội nói chung và phát triển giáo dục nói riêng. Sinh viên tốt nghiệp có thể công tác ở các phòng giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT, các trường ĐH/CĐ/THCN, các phòng hoặc trung tâm hoặc Cục khảo thí… Một số vị trí tuyển dụng như: Chuyên viên phòng đào tạo, phòng Công tác sinh viên, Đảm bảo chất lượng…các viện, trung tâm nghiên cứu về giáo dục và tâm lý giáo dục; các trung tâm tư vấn tâm lý hoặc làm chuyên viên ở các phòng ban chức năng trực thuộc Sở GD-ĐT; làm công tác tham vấn, tư vấn tại các trường trung học phổ thông. Bên cạnh đó, em cũng có thể làm công tác giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp có đào tạo ngành giáo dục học.