Đội ngũ giáo viên (GV) là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Xác định rõ điều này, công tác bồi dưỡng, phát triển đội ngũ GV luôn được các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh quan tâm đầu tư, thực hiện tốt. Bên cạnh việc bổ sung mới, đội ngũ GV dạy nghề cũng thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm, phương pháp giảng dạy mới để đạt chuẩn. Một tiết học lý thuyết của học sinh lớp trung cấp kĩ thuật điện mỏ K1 Trường Cao đẳng nghề Việt - Hàn Quảng Ninh. Tìm hiểu tại Trường Cao đẳng nghề Than - Khoáng sản Việt Nam, chúng tôi được biết, hiện trường có gần 500 GV, trong đó có gần 280 GV cơ hữu dạy nghề. Tỷ lệ GV có trình độ tiến sĩ chiếm 0,8%; GV trình độ sau đại học chiếm 17%; GV trình độ đại học 65%; 100% GV có trình độ sư phạm dạy nghề, trình độ ngoại ngữ A, tin học A, B. Định kỳ hàng năm, nhà trường lập kế hoạch tự bồi dưỡng, bồi dưỡng nâng cao, đặc biệt là bồi dưỡng công nghệ mới tại các doanh nghiệp. Qua đó, giúp đội ngũ GV nắm vững lý thuyết chuyên môn cũng như tay nghề và thực tế sản xuất đáp ứng yêu cầu giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo để chuẩn hoá đội ngũ GV theo quy định hiện nay. Tương tự đối với Trường Cao đẳng nghề Việt - Hàn Quảng Ninh, công tác nhân sự, đặc biệt là đội ngũ GV dạy nghề đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng được trường chú trọng thực hiện tốt ngay từ khi trường đi vào hoạt động. Ông Lưu Quốc Uy, Trưởng phòng Đào tạo và Nghiên cứu khoa học, Trường Cao đẳng nghề Việt - Hàn Quảng Ninh, cho biết: Hiện nhà trường có 31 cán bộ, GV, nhân viên. Các GV cơ hữu của trường đều là những GV có trình độ đạt chuẩn, có thâm niên và kinh nghiệm công tác tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong nước. Trước khi đi vào tuyển sinh khoá I năm học 2016-2017, đội ngũ GV nhà trường được tổ chức đào tạo, tập huấn tại Hàn Quốc. Sau đó, trường tiếp tục mời các chuyên gia tại Hàn Quốc trực tiếp về trường đào tạo, cập nhật kiến thức cho GV. Nhà trường cũng phối hợp với các doanh nghiệp để gửi GV đi thực tế sản xuất nghề. Mới đây nhất là phối hợp với Công ty Toyota Quảng Ninh bồi dưỡng kiến thức tay nghề cho các giáo viên bộ môn khoa công nghệ ô tô của trường. Thời gian qua, công tác bồi dưỡng, phát triển đội ngũ GV luôn được các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh quan tâm đầu tư, thực hiện tốt. Bên cạnh việc bổ sung mới, đội ngũ GV dạy nghề cũng thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm, phương pháp giảng dạy mới để đạt chuẩn. Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, hiện tổng số giáo viên dạy nghề cơ hữu và tham gia đào tạo nghề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh là 1.369 người. Riêng trong năm 2016, đã có 719 lượt giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm, nâng cao trình độ chuyên môn... Việc thực hiện chế độ giờ giảng, các chế độ, quyền lợi về lương, thưởng và các chế độ khác đối với nhà giáo về cơ bản được các cơ sở đào tạo thực hiện tốt, tỷ lệ giáo viên trên học sinh quy đổi đạt theo mức quy định. Tuy nhiên, qua công tác thanh, kiểm tra về công tác đào tạo nghề cũng cho thấy, số lượng nhà giáo được bồi dưỡng về kỹ năng nghề, công nghệ mới trong năm 2016 mới chỉ chiếm 17,38% tổng số nhà giáo và có tới gần 80% GV các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đạt chuẩn về trình độ ngoại ngữ theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Điều này đòi hỏi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong năm 2017 và những năm tiếp theo cần quan tâm làm tốt hơn công tác đào tạo, bồi dưỡng cho nhà giáo, nhất là bồi dưỡng công nghệ mới thông qua thực tập tại doanh nghiệp; chủ động sớm hoàn thiện các điều kiện đáp ứng các tiêu chuẩn về đội ngũ nhà giáo của đơn vị mình theo quy định của luật. Để làm tốt vấn đề bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ GV dạy nghề, trong thời gian tới, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh cần có sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa với doanh nghiệp. Theo đó, xây dựng cơ chế ràng buộc đối với GV định kỳ phải đi thực hành, thực tập tại doanh nghiệp có ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp với nghề đào tạo thông qua hợp đồng giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Sản phẩm thực tập của GV tại cơ sở sản xuất, dịch vụ là cơ sở đánh giá kỹ năng nghề nhà giáo. Các trường cũng sớm xây dựng các tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp cho GV dựa trên chức năng, nhiệm vụ của GV, phương pháp đào tạo lấy hoạt động người học làm trung tâm... Đồng thời, thường xuyên tổ chức dự giờ của GV, tăng cường và tổ chức hội thi, hội giảng giáo viên dạy nghề các cấp. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng GV sát thực tế, hướng tới đạt chuẩn 100%, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp. Nguồn : Phương Thúy