Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, internet, nhà nhà lập web, blog để chia sẻ, truyền thông. Nhiều mạng xã hội ra đời với "Chiêu Trò” hút độc giả bằng những tin, bài và cách giật tin giật gân, thất thiệt đã làm cho môi trường thông tin bị “ô nhiễm” nặng nề. Nguy hại hơn, do quá tự do về thông tin hoặc do sự cạnh tranh “không lành mạnh” ấy mà nhiều tờ báo mạng cũng đã dần mất chất, đã bị đồng hóa bởi những tin tức giật gân, đôi khi đáng lên án. “Rác” thông tin Nếu ai có theo dõi báo chí thì sẽ thấy những nỗi bức xúc, ưu tư của những người làm báo chân chính, những cơ quan báo chí chính thống trước làn sóng tin “rác” của những tờ báo mạng hoặc của những mạng xã hội. Một diễn đàn, rồi nhiều diễn đàn được mở ra để nói về hiện tượng làm báo thị trường, chỉ chú ý đến lượng truy cập bằng cách chạy theo chuyện hậu trường nghệ sĩ, ca sĩ hoặc tìm kiếm những thông tin “cướp-hiếp-giết” và cả cách giật tít mờ ám của các trang mạng, báo trực tuyến. Ở đó, những người tham gia diễn đàn không những nêu hiện tượng mà còn bày tỏ sự bức xúc. Làm sao không bức xúc khi mà con cái của chúng ta lớn lên trong thời thông tin với việc tiếp cận internet như một công cụ hữu dụng để học hành, làm việc mà nơi đó lại chứa quá nhiều thông tin có độc tố. Bên cạnh sự bổ ích của những tin bài hay trên các báo chính thống thì những nội dung kiểu như vừa nêu trên cũng sẽ thẩm thấu vào trong tâm thức người trẻ, tuổi mới lớn, lâu ngày nó sẽ tích tụ và trở thành một thứ quan điểm sống lệch lạc. Tiêu biểu là những trào lưu “hở để được nổi tiếng” hoặc chạy theo thần tượng một cách mù quáng, thiếu thẩm định về cái đẹp và cả lối sống của người nổi tiếng (có nhiều tai tiếng). Người viết bài này gọi đó là “rác” thông tin bởi những thông tin ấy không mang lại giá trị chuyển hóa nội tâm, không làm con người sống đẹp hơn, thiện hơn mà chỉ có tính kích thích tò mò, thậm chí là “dạy” con người ta sống cạn cợt, hời hợt… Đối mặt với “ô nhiễm” thông tin Nếu môi trường sống bị ô nhiễm thì con người sẽ bị bệnh tật. Còn nếu môi trường thông tin bị “ô nhiễm” thì “cái đầu” (suy nghĩ) và cả cái tâm (tâm hồn, lối sống, cách hành xử…) của con người bị lệch lạc, trở nên tiêu cực hơn… Điều đó đã được chứng minh từ những hiện tượng như say game online có tính bạo lực mà người ta trở nên hung dữ hơn… Bất cứ loại suy nghĩ, lời nói và hành vi nào được tác động đến con người thường xuyên, lâu dài thì sẽ đủ lượng và trở thành một thói quen đáng ngại. Dân gian nói nôm na là “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Thứ thông tin đánh lận ngôn ngữ và những tin “rác”, nếu được tiếp xúc thường xuyên cũng sẽ nuôi lớn trong tâm con người sự vô cảm trước cái đẹp-cái chân-cái thiện của cuộc đời. Chúng tôi rất mong Giáo hội nên có người phát ngôn và bộ phận quan sát thông tin, để nếu cần, có tiếng nói trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các tờ báo Phật giáo trước hết hướng dẫn Phật tử có nhận thức, thái độ đúng đắn và cần thiết trước các sự việc liên quan. Thứ nữa, để có tiếng nói gửi đến lãnh đạo các cơ quan báo chí như trong trường hợp trên, cũng như một số trường hợp trước đây, để họ có những điều chỉnh đúng với thực tế. Chúng tôi hy vọng sẽ không còn sự im lặng đáng tiếc như trước sự việc vừa qua.