Đây là một trong sáu định hướng mà Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nhấn mạnh nhằm tạo đột phá đưa Việt Nam lên tầm cao mới trước cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ảnh minh họa. Theo đó, 6 nội dung mà Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đưa ra gồm: Thứ nhất sẽ tập trung tăng cường công tác phát triển, đào tạo nhân lực viễn thông, công nghệ thông tin từ nay tới năm 2020. Theo đó, Bộ sẽ tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuyên ngành điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin và an toàn thông tin. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đẩy mạnh phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học với hoạt động và nhu cầu của các doanh nghiệp. Thứ hai, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp cùng với các ban, bộ, ngành của Chính phủ hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin. Thông qua công tác truyền thông sẽ nâng cao hình ảnh, thương hiệu doanh nghiệp, tạo sự thuận lợi trong việc kêu gọi, thu hút vốn đầu tư từ các tổ chức trong nước và quốc tế. Bộ sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai cụ thể, có không gian sáng tạo với cơ chế linh hoạt và ngân sách đầu tư thích hợp để ứng dụng các sáng kiến vào thực tế quản lý, phát triển sản phẩm, dịch vụ kinh doanh cũng như khởi tạo những sản phẩm có tính đột phá, đặc biệt các sản phẩm có tính mở với phạm vi ứng dụng trên toàn cầu. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn. Nguồn ảnh: Vietnamplus. Thứ ba là việc triển khai mạng 4G và phát triển dịch vụ giá trị gia tăng. Trong năm 2017, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đôn đốc các nhà mạng đẩy nhanh tiến độ xây dựng mạng lưới để cung cấp 4G, đảm bảo cơ sở hạ tầng tốt cho việc phát triển các dịch vụ nội dung trên nền tảng này. Thứ tư là phát triển Chính phủ điện tử và nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Bộ sẽ xây dựng các chính sách để phát triển đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông trong nước, đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Thứ năm là việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong bối cảnh các loại hình này vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề xác thực, bảo mật trong giao dịch điện tử. Trong năm 2017, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiến hành sửa đổi Nghị định số 26/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số để tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động này. Thứ sáu là việc tăng cường đảm bảo an toàn thông tin. Trong năm 2017, Bộ sẽ tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm nhằm củng cố và tạo sức bật cho các công tác đảm bảo an toàn thông tin. Theo người đứng đầu Bộ TT&TT, từ những bài học về an toàn thông tin tại các nước tiên tiến hàng đầu trên thế giới thì việc chỉ tập trung đầu tư các giải pháp công nghệ là chưa đủ mà phải đẩy mạnh đầu tư các yếu tố con người như nâng cao nhận thức, kỹ năng và tầm nhìn quản lý an toàn thông tin. Nguồn: Mai Lan