Bạn cần những gì để tìm được một công việc tốt? Tìm việc thực chất cũng là một công việc toàn thời gian (dù không có lương nhưng lại quyết định tương lai) mà bạn cần phải đầu tư công sức và tâm lý để thực hiện, vì tương lai của chính bạn. Và bạn biết đấy, “tay không bắt giặc” chỉ là chuyện hên xui, còn để tìm được một công việc ưng ý, bắt được cơ hội và nắm chắc vận mệnh của mình, bạn phải luôncó sẵn trong tay những kỹ năng, công cụ cần thiết và cả những “đồng minh” thân cận nữa. 1- Một bản lý lịch / CV hoàn hảo Kỹ năng quan trọng nhất để tìm việc là biết cách viết và trình bày CV chuyên nghiệp và bắt mắt. Về cơ bản, việc viết CV đơn giản chỉ là liệt kê các kỹ năng và kinh nghiệm làm việc cùng với vài thông tin liên hệ cơ bản, thế nhưng để CV của bạn nổi bật trong một rừng CV phiên phiến nhau dường như không dễ dàng lắm với nhiều người. Nếu bạn tương đối tự tin về mình, đừng quá bó buộc với những mẫu CV khô khan mà bạn tìm được trên mạng, thay vì liệt kê một loạt kỹ năng chung chung của ngành nghề (mà ai cũng biết), hãy chọn lọc các kỹ năng thế mạnh của mình, đưa một chút văn phong riêng của bạn vào đó và nên tập trung hơn ở những thành tích bạn đã đạt được. Về hình thức, bạn nên trình bày ngắn gọn với các ý được phân đoạn và có đề mục rõ ràng, dùng màu sắc có hệ thống và lịch sự. Logo cá nhân và ảnh chân dung có thể là một điểm nhấn đáng giá, nếu có điều kiện, đừng ngại đầu tư cho những chi tiết này. 2- Bạn bè và gia đình Hãy nói với gia đình và bạn bè về việc bạn đang muốn tìm kiếm một công việc. Với các mối quan hệ lan toả từ từng cá nhân trong mạng lưới quan hệ của bạn, khả năng cung (cơ hội việc làm) và cầu (nhu cầu tìm việc) gặp nhau của bạn càng tăng lên. Khi chia sẻ với mọi người về nhu cầu tìm việc của mình, bạn cũng đang gián tiếp nhờ những người thân thiết của bạn tìm việc giúp mình. Bạn nghĩ một mình bạn tìm việc có tốt bằng hàng chục người cùng tìm việc cho bạn không? 3- Sự chủ động Trực tiếp đến các công ty đang có nhu cầu tuyển dụng và tỏ ra chủ động khi nộp hồ sơ có thể mang lại cho bạn những lợi thế đặc biệt. Mặc dù việc gửi CV qua email ngày nay rất thuận tiện cho ứng viên nhưng nếu bạn mang một bộ hồ sơ được chuẩn bị chỉn chu đến công ty để nộp đơn trực tiếp, nhà tuyển dụng có thể thấy được sự chủ động và mối quan tâm mạnh mẽ của bạn với vị trí tuyển dụng của công ty. Ngay cả khi bạn không thể gặp trực tiếp người phụ trách tuyển dụng đi nữa, việc nhận được một bộ hồ sơ thực đặt trên bàn cũng sẽ khiến họ quan tâm hơn là một email lặng lẽ gửi đến (đó là chưa kể email rất có thể bị thất lạc hoặc vô tình bị chuyển vào hộp email rác). Thêm nữa, khi đến tận văn phòng công ty để nộp hồ sơ, bạn cũng có dịp tham quan văn phòng và quan sát tác phong làm việc của công ty để xác định xem bạn có thích phong cách của công ty này không. 4- Tìm hiểu về công ty bạn dự tuyển Khi đã nhắm được vài công ty, bạn hãy dành thời gian để tìm hiểu mọi thông tin doanh nghiệp trên mặt báo và nghe ngóng từ những người quen biết về các công ty mà bạn quan tâm. Việc này giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất để đánh giá xem công tý đó có phù hợp với mình và những thông tin này cũng sẽ rất hữu ích cho bạn khi bước vào vòng phỏng vấn. 5- Sắp xếp thông tin có tổ chức Rất nhiều người trong chúng ta chưa bao giờ nghĩ đến chuyện sắp xếp và lưu trữ thông tin về những công ty mình từng quan tâm hay từng làm việc một cách có tổ chức. nhưng đây là việc bạn nên làm. Không chỉ là việc sao lưu và sắp xếp các thông tin quan trọng bạn tập hợp được theo từng công ty mà hãy ghi chép lại về những lần bạn gửi hồ sơ xin việc, những người bạn liên hệ và gặp gỡ. Đối với những công ty bạn đã làm việc, hãy ghi chép lại những sự kiện quan trọng, những điểm mốc và thành tựu bạn đạt được trong quá trình làm việc tại đây đồng thời sao lưu các giấy tờ quan trọng như hợp đồng, quyết định bổ nhiệm, bằng cấp, chứng chỉ… Bạn thấy quá chi tiết và không cần thiết đúng không? Nhưng nếu bạn làm được việc này thì việc cập nhật CV sẽ luôn rất dễ dàng và bạn luôn có đủ tài liệu để chứng thực quá trình làm việc cũng như kinh nghiệm của bạn. 6- Có mục tiêu Đặt ra những mục tiêu cụ thể cho mình khi tìm việc cũng rất quan trọng. Chuyện thật đơn giản khi bạn gửi CV cho một công ty nào đó rồi ngồi đợi hên xui thì họ gọi bạn đi phỏng vấn; nhưng trong thời buổi kinh tế khó khăn công việc khan hiếm như bây giờ thì bạn chắc phải đợi dài cả cổ mất thôi. Đặt cho mình những mục tiêu rõ ràng sẽ giúp bạn chủ động hơn trong công cuộc tìm việc của mình; chẳng hạn đặt cho mình mục tiêu phải gửi CV cho 8-10 công ty và gọi điện đến 5 công ty trong một tuần thay vì cứ gửi hú hoạ cho một công ty rồi ngồi chờ thời. 7- Đi làm tình nguyện Nếu có thời gian, nhất là nếu bạn đang không có việc, hãy tham gia các hoạt động xã hội trong vai trò tình nguyện viên. Những công việc này chẳng những rất thú vị mà còn là một chi tiết hay ho để bạn ghi vào hồ sơ của mình. Nhiều nhà tuyển dụng hiện đại thích những ứng viên có hoạt động xã hội sôi nổi; và đặc biệt là nếu bạn đi làm tình nguyện trong thời gian thất nghiệp, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá là bạn luôn biết cách tạo công việc và sự bận rộn cho mình dù đang không có công việc, như vậy bạn cũng dễ ăn nói hơn khi được hỏi về thời gian ăn không ngồi rồi của mình. 8- Rèn luyện kỹ năng trả lời phỏng vấn Đừng đợi nhận được cuộc gọi mời phỏng vấn mới cuống lên hoàn thiện kỹ năng trả lời phỏng vấn của mình. Ngay lúc này, hãy rèn luyện kỹ năng này bằng trò chơi giả lập một cuộc phỏng vấn với gia đình và bạn bè của bạn; nhờ họ hỏi bạn những câu hỏi khó và quay clip cảnh bạn trả lời để bạn có thể xem lại. Lúc đầu bạn có thể thấy việc này khá ngượng và hơi ngớ ngẩn, nhưng nếu bạn đang chờ đợi một cuộc phỏng vấn quan trọng tại một công ty lớn, việc này giúp bạn tự tin và có tác phong chuyên nghiệp hơn rất nhiều đấy. 9- Suy nghĩ tích cực Quãng thời gian săn việc thực sự là một giai đoạn căng thẳng và mệt mỏi, bạn sẽ rất dễ thất vọng và mất niềm tin vào bản thân khi không nhận được hồi đáp của nhà tuyển dụng hoặc phỏng vấn thất bại. Nhưng hãy nhớ rằng bạn vẫn luôn có cơ hội ở phía trước và cái gì tốt nhất cũng cần thời gian để có được. Đừng nản lòng, hãy rút kinh nghiệm từ những thất bại nho nhỏ và tiếp tục đi tìm cơ hội làm việc của mình nhé!