Thiết kế ngớ ngẩn, giá bán quá đắt, chất lượng kém... có rất nhiều lý do để 6 thiết bị Android dưới đây bị "hắt hủi" và trở thành thất bại doanh số. Chưa đầy 3 năm nữa, Android sẽ tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày ra đời. Từ tháng 9/2008, khi chiếc điện thoại Android đầu tiên ra đời (T-Mobile G1), đến nay đã có hàng triệu sản phẩm nền tảng Android có mặt trên thế giới. Một số sản phẩm có chất lượng tuyệt vời, được người tiêu dùng đón nhận và ưa chuộng, thế nhưng cũng có những sản phẩm bị coi là những thử nghiệm thất bại thảm hại hoặc đơn giản là những sản phẩm tồi. Đương nhiên, những sản phẩm không đủ hấp dẫn sẽ không được người tiêu dùng đón nhận và doanh số sẽ xuống mức thê thảm. Nếu bạn muốn biết danh sách những sản phẩm Android có số phận “hẩm hiu” nhất từ trước đến nay, hãy dành thời gian đọc bài viết này. Lưu ý: Những sản phẩm dưới đây được sắp xếp theo thứ tự abc. Amazon Fire Phone Hầu hết mọi người đều biết đến chiếc điện thoại Amazon Fire Phone nhưng chẳng mấy ai mua nó. Mùa hè năm 2014, chiếc điện thoại này ra đời với mức giá 199 USD có hợp đồng với nhà mạng và 649 USD không có hợp đồng. Mức giá này quá cao so với thực chất sản phẩm. Trên thị trường có vô số những sản phẩm hấp dẫn hơn, đến từ nhiều tên tuổi có tiếng hơn với mức giá tương tự. Amazon dần hạ giá chiếc Fire Phone xuống 130 USD có hợp đồng với nhà mạng nhưng mọi thứ vẫn là quá muộn. Amazon không tiết lộ có bao nhiêu chiếc Fire Phone đã bán được nhưng công ty này mất khoảng 170 triệu USD cho công tác nghiên cứu và sự kiện công bố sản phẩm. Dell Streak 7 Kế tiếp sự ra đời của chiếc tablet Dell Streak màn hình 5 inch năm 2010, Dell Streak 7 ra đời vào đầu năm 2011 với kích thước lớn hơn nhưng chất lượng lại chẳng tốt hơn. Có mức giá 199 USD kèm theo hợp đồng nhà mạng, hầu hết những người sử dụng Dell Streak 7 đều đánh giá rằng phần mềm Android 2.2 Froyo chưa được tối ưu hóa hoàn thiện, tuổi thọ pin kém và màn hình chất lượng quá tệ với độ phân giải chỉ 800 x480 pixel cho một thiết bị kích thước 7 inch. Dell ngưng sản xuất Streak 7 vào cuối năm 2011 và cũng không sản xuất thêm bất cứ thiết bị nào tương tự cho đến nay. HTC First Đây là thiết bị do HTC sản xuất đầu tiên trang bị giao diện Facebook Home ngay từ khi xuất xưởng. Với tên gọi Facebook Home, giao diện người sử dụng này không thực sự hấp dẫn được người sử dụng, và phần cứng thiết bị cũng không đủ khả năng để tạo nên cú “hích” doanh số. Với giá khởi điểm 99,99 USD kèm theo hợp đồng với nhà mạng (tháng 4/2013) tại Mỹ, HTC First đã nhanh chóng hạ giá xuống chỉ còn 0,99 USD kèm theo hợp đồng. Thế nhưng điều này chẳng giúp được gì cho chiếc smartphone này. Sau khi thất bại tại thị trường Mỹ, HTC đã hủy bỏ kế hoạch tung sản phẩm tại Anh và những quốc gia khác. Nokia X Dòng Nokia X bao gồm 4 chiếc điện thoại giá cả phải chăng (Nokia X, Nokia X+, Nokia XL, và Nokia X2), tất cả đều được giới thiệu vào năm 2014 và đều chạy một phiên bản tuy biến của Android, sử dụng các ứng dụng và dịch vụ của Microsoft thay vì Google. Mặc dù đem đến nhiều lợi ích lớn, tất cả các sản phẩm này đều trở thành thất bại. Điều này đã chứng tỏ rằng, dường như dù ở dòng sản phẩm giá rẻ, người sử dụng vẫn yêu thích các smartphone Android nguyên bản hoặc Windows nguyên bản, hơn là những dòng máy lai. Nhận thức được sai lầm của mình, Microsoft đã dừng sản xuất dòng Nokia X. Samsung DoubleTime Năm 2011 khi Samsung Double Time ra đời, lúc đó mọi người rất thích những thiết bị sở hữu bàn phím QWERTY và thiết kế vỏ sò. Có rất nhiều thiết bị Android trang bị bàn phím QWERTY thiết kế đẹp mắt ra đời lúc bây giờ nhưng Double Time lại không phải một trong số đó. Mặc dù nó sở hữu phần bàn phím hấp dẫn, thế nhưng những tính năng khác như vi xử lý một nhân 600MHz, RAM 260MB, màn hình chất lượng thấp, pin yếu đã khiến Double Time trở thành một thiết bị chẳng ai muốn mua. Sony Tablet P Đây lại là một sản phẩm Android dạng vỏ sò khác nhưng hiển nhiên không phải một chiếc điện thoại. Tablet P là một sản phẩm khá đặc biệt: một chiếc máy tính bảng với màn hình gấp. Ra đời năm 2011 với giá 599 USD, Sony Tablet P sở hữu 2 màn hình 5,5 inch, độ phân giải 1024 x 480 pixel và được tách nhau bởi một phần bản lề. Dĩ nhiên, phần bản lề này là cần thiết để sản phẩm có thể gập đôi lại nhưng nó khiến trải nghiệm sản phẩm trở nên… khó chịu. Sony lại không tận dụng được lợi thế hai màn hình và bạn thực sự không thể sử dụng thiết bị như một màn hình 11 inch bởi chiếc này có một bản lề nằm ngay chính giữa. Với doanh số thất vọng, Sony đã ngừng cập nhật phần mềm cho Tablet P chỉ 1 năm sau khi ra mắt.